Đàn chim bồ câu phục vụ Đại lễ đang teo tóp dần
(ANTĐ) - Xuất phát từ ý tưởng gây dựng một đàn chim bồ câu nhằm làm đa dạng hóa sinh thái nơi công cộng, gắn liền với hòa bình, phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị (QLDAHTĐT) - Sở Xây dựng Hà Nội ký kết hợp đồng cung cấp, nuôi dưỡng và huấn luyện đàn chim bồ câu 1.000 con với ông Phạm Tài Thu. Song đến thời điểm hiện tại, dự án trên khó có khả năng hoàn thành.
Đàn chim hòa bình trong công viên Bách Thảo đang ngày càng mai một |
Thời gian qua, đàn chim hòa bình với 1.000 con do ông Phạm Tài Thu, trú tại phố Mai Anh Đào, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nuôi dưỡng và huấn luyện tại công viên Bách Thảo đang chết dần. Theo ông Thu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do môi trường sinh sống không đảm bảo, chuồng trại nuôi nhốt chưa hoàn thành… Do đó, lượng chim ngày càng bị hao hụt do bị chết, bị lạc và cả do bị bắt trộm.
Không đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thạch - Giám đốc công viên Bách Thảo cho biết, trong Hợp đồng kinh tế số 102 ký ngày 4-6-2010, ông Thu với tư cách là người được thuê chịu trách nhiệm cung cấp chim, chăm sóc huấn luyện và bảo vệ cho tới khi hoàn tất công việc theo hợp đồng, bàn giao đàn chim cho chủ đầu tư là Sở Xây dựng Hà Nội.
Lãnh đạo công viên Bách Thảo chỉ thừa lệnh của cơ quan chủ quản bàn giao mặt bằng và tạo điều kiện về mặt bằng để ông Thu thực hiện dự án này. Ngày 14-10-2010, ông Thu cho biết chim bồ câu bị kẻ gian bắt trộm. Một ngày sau đó, Sở Xây dựng cùng CAP Ngọc Hà, quận Ba Đình, bảo vệ công viên Bách thảo đã cùng kiểm tra và xác định sự việc trên không có thật. Lý do đàn chim bị thiếu hụt là do ông Thu mang chim vào Mỹ Đình thả trong lễ bế mạc Đại lễ, nên một số con chim đã bị thất lạc.
Cũng theo bà Thạch, “việc ông Thu cho rằng một số chim bồ câu bị chết do uống nước trong hồ không sạch là hoàn toàn không đúng. Hàng ngày, chúng tôi vẫn cử nhân viên đưa nước sạch ra đảo, hơn nữa hồ trong công viên, chúng tôi vẫn nuôi cá thì không thể có hiện tượng chim uống nước trong hồ chết mà cá lại không chết.
Khu vực đảo nuôi chim cũng được quây lưới kín không cho người dân đi vào trong khu vực này. Theo tôi được biết, chim bồ câu trắng mà ông Thu nhập về từ nhiều vùng miền khác nhau, nguồn chim tuyển lựa không đảm bảo, từ nhiều bầy đàn khác nhau, thời gian ngắn không được huấn luyện trước nên bỏ đàn đi. Hiện việc tham gia huấn luyện chim chỉ có hai người, trong khi đó số lượng chim lên đến hàng nghìn con, dẫn đến việc chim ngã bệnh vì không quen thời tiết. Chim thả trong dịp Đại lễ cũng bị thất lạc do không được tập dượt làm quen với địa hình đường bay, nên số lượng của đàn chim bị hao hụt đáng kể. Hơn nữa, chim bồ câu trắng là loại chim vốn không thích nghi với điều kiện ở lại”.
Về việc đàn chim hòa bình tại công viên Bách thảo đã bị mai một khá nhiều, theo ông Bùi Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Ban QLDAHTĐT - Sở Xây dựng Hà Nội: “Dự án đàn chim hòa bình trong công viên Bách thảo do thành phố đầu tư nhằm tạo ra một không gian sinh động tại khu vực này trên cơ sở đề xuất của ông Phạm Tài Thu. Sau khi được sự chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng đã ký hợp đồng với ông Thu với nội dung: Trong thời gian 4 tháng, ông Thu có trách nhiệm chăm sóc, huấn luyện đàn chim với đủ 1.000 con tại công viên Bách thảo. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù thời hạn hợp đồng chưa kết thúc, nhưng ông Thu đã xin chấm dứt dự án. Chúng tôi đã yêu cầu ông Thu phải có văn bản chính thức trong đó nói rõ nguyên nhân gửi các cơ quan chức năng”.
Được biết, dự án đàn chim hòa bình tại công viên Bách thảo có vốn đầu tư lên tới gần 600 triệu đồng. Để dự án này hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo mục tiêu đề ra, tránh lãng phí tiền của Nhà nước, đề nghị các bên liên quan sớm ngồi lại, cùng nhau bàn bạc, tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục, tránh việc đổ lỗi cho nhau, gây bức xúc không đáng có.
Huệ Anh - Ngọc Hân