Dân “chấm điểm” chính quyền

ANTĐ - Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp thực hiện vừa công bố kết quả khảo sát trong năm 2013. Theo đó, có 5 vấn đề được người dân quan tâm nhất: ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy, tham nhũng và vệ sinh an toàn thực phẩm; 6 nội dung khảo sát là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng khu vực công, thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công.

Kết quả khảo sát cho thấy, 1 trong 4 người dân được hỏi cho rằng, tham nhũng là một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất; 8 trong 10 người cho hay tình hình kinh tế hộ gia đình là “bình thường” hoặc “khá tốt”. Có tới 42% người được hỏi thừa nhận phải chi thêm tiền khi đi khám chữa bệnh; 30% người dân phải chi thêm tiền để được nhận “sổ đỏ”; 27% phụ huynh cấp tiểu học phải chi thêm tiền để con cháu được quan tâm hơn; 24% người dân phải chi thêm tiền để nhận được giấy phép xây dựng.

Đặc biệt, 42% người dân được hỏi thừa nhận phải “lót tay” khi xin việc vào cơ quan Nhà nước. Về vấn đề công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ năm 2011 đến 2013, 80% người dân cho rằng, không biết đến các quy hoạch này, không thấy có sự chuyển biến tích cực. Trong những người được biết thông tin, chỉ có 19% người dân nắm qua nguồn của chính quyền địa phương. Có tới 8 trong 10 người không được thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù thu hồi đất ở địa phương. Có nơi chỉ có 1,6% số người được biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tỷ lệ này ở địa phương có điểm cao nhất cũng chỉ đạt 50%. Hối lộ, tham nhũng trong lĩnh vực công từ năm 2011-2013 vẫn là vấn đề nhức nhối dư luận xã hội trong các lĩnh vực khám chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến quận, huyện; làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng. Đáng chú ý, trong các nội dung được khảo sát, người dân ngày càng nâng cao nhận thức và đánh giá về tính công khai, minh bạch trong chính sách hộ nghèo, thu chi ngân sách địa phương cấp xã phường. Kết quả ghi nhận một số địa phương tăng điểm đáng kể, ngược lại một số nơi giảm điểm. 

Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh, được thực hiện trên toàn quốc và trở thành bộ chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân về chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Bộ chỉ số này không phải để chỉ ra tỉnh nào làm kém, mà nhằm tăng trách nhiệm, cải thiện hiệu quả quản lý. Cách đánh giá là khách quan vì không dựa vào báo cáo tổng kết của các địa phương, mà từ chính người dân sử dụng dịch vụ công. Họ là “khách hàng” của cơ quan công quyền nên có quyền “chấm điểm” chính quyền.