Dấn bước vượt qua thách thức

ANTĐ - Chúng ta đón năm mới 2016 với nhiều dấu hiệu khả quan về tình hình kinh tế của đất nước. Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, tăng trưởng đạt khá, tiềm lực quốc gia tăng lên, “sức khỏe” của doanh nghiệp phục hồi rõ nét.  2016 là  năm chuyển tiếp giữa 2 nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm, chứa đựng nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức cũng rất lớn.

Nền kinh tế nước ta bước sang năm 2016 mang theo những hành trang gì khi bước lên “con tàu” hội nhập? Năm 2015, mặc dù kinh tế thế giới chưa hết ảm đạm, song GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm qua, đạt mức 6,68%, cao hơn mức 6,2% do Quốc hội đề ra, chỉ số lạm phát thấp nhất trong 14 năm qua. GDP bình quân đầu người đạt 2.109 USD. Chính sách tiền tệ, tài chính được điều hành khá chủ động, linh hoạt và mềm dẻo, tránh được những cú sốc khi đồng Nhân dân tệ phá giá, nhất là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng tỷ giá USD.

Điều đáng ghi nhận là, năng lực cạnh tranh của nước ta tăng 19 bậc, tăng trưởng của doanh nghiệp đạt 26,6%. Công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng tốt, nông nghiệp đạt tăng trưởng 2,4%. Đã có tới 95.000 doanh nghiệp mới được thành lập với tổng sức vốn đăng ký trên 600.000 tỷ đồng. Trong khi đó, việc làm mới tăng 1,6%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%. Vài nét phác thảo bức tranh kinh tế năm 2015 cho thấy, gam màu  tươi sáng là chủ đạo, song vẫn còn những điểm “tối” đáng lo ngại.

Đó là nợ công  tăng cao, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm chạp, năng suất lao động  thấp và thua xa nhiều nước trong khu vực. Nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức mà nước ta sẽ đối mặt khi bước vào năm 2016, hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, tốc độ phục hồi kinh tế chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là giá dầu thô thế giới có thể tụt dốc xuống 20USD/thùng.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nước ta đang đứng trước những thách thức lớn. Đó là năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, yêu cầu nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng rất lớn, nhưng nguồn lực hạn hẹp, huy động chưa được nhiều. Có mâu thuẫn giữa yêu cầu nguồn nhân lực và khả năng đáp ứng. Bên cạnh đó, lạm phát năm 2016 nếu có duy trì như năm 2015 cũng vẫn là yếu tố kém bền vững vì dựa vào giá cả thế giới, nhất là giá dầu. Khi lạm phát của nước ta xoay quanh mức 3-5% thì lãi suất kỳ vọng của năm 2016 cơ bản vẫn giữ như hiện này.

Thấy trước những trở ngại, thách thức, phân tích sâu sắc nội lực của nền kinh tế, chính là để khẳng định quyết tâm, giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp đồng lòng vượt qua mọi thách thức trong năm 2016 với mục tiêu phải vượt lên nhóm đầu trong các nước ASEAN. Để đạt được mục tiêu cao này, phải thực hiện 3 mũi đột phá chiến lược, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, đặc biệt là cơ chế thị trường, xử lý những vướng mắc trong cải thiện thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.