Đảm bảo an toàn cho người lao động
(ANTĐ) - Xã hội ngày càng phát triển, sẽ có rất nhiều ngành nghề sản xuất mới được mở ra. Kéo theo đó là những tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhu cầu về bảo hộ lao động là rất cần thiết bởi nó sẽ đem lại sự chuyên nghiệp nhất định cho dây chuyền sản xuất, thi công... Quan trọng hơn cả công tác bảo hộ lao động được coi là một “tấm lá chắn” cho sức khỏe, sự an toàn của người lao động.
Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa hiểu hoặc coi nhẹ công tác bảo hộ. Trang thiết bị bảo hộ cho người lao động còn kém, không đầy đủ dẫn đến những trường hợp tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra. Gần đây nhất là vụ tai nạn lao động tại công trường Indochina Plaza (239 đường Xuân Thủy) khiến 8 công nhân bị thương. Đây thật sự là một cảnh báo đáng lưu tâm về vấn đề bảo hộ lao động.
Vụ sập cần cẩu tại TP.HCM làm 7 người bị thương và 6 xe máy bị hư hỏng nặng |
Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Những doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến vấn đề điều kiện lao động. Có thể thấy công tác bảo hộ lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được người sử dụng lao động coi trọng. Các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ nằm rải rác trong đô thị và Khu dân cư, dẫn đến cơ cấu ngành công nghiệp không hoàn chỉnh.
Theo một số liệu thống kê, nước ta có khoảng 200.000 doanh nghiệp và 10 triệu lao động hoạt động trong mọi lĩnh vực sản xuất. Trước sự gia tăng nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất mà phần nhiều có công nghệ chắp vá, nhà xưởng chật chội cộng với việc phân bố các cơ sở sản xuất thiếu quy hoạch đã đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, ẩn chứa nguy cơ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Theo một kết quả điều tra, khảo sát đối với 2.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên toàn quốc với nhiều ngành sản xuất, nhiều loại hình doanh nghiệp (quốc doanh, ngoài quốc doanh, liên doanh...) cho thấy, trừ một số ít các cơ sở sản xuất có môi trường lao động ở mức hợp vệ sinh (có giá trị các yếu tố gây ô nhiễm nhỏ hơn hoặc bằng tiêu chuẩn cho phép), đa số đều bị ô nhiễm từ mức độ ô nhiễm nhẹ đến ô nhiễm rất nặng.
Kết quả đo đạc các yếu tố trong môi trường lao động với tần suất là 100 cơ sở sản xuất/năm, yếu tố độc hại vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép chủ yếu là bụi, tiếng ồn, ánh sáng, hơi khí độc, nhiệt ẩm, rung động và các bức xạ có hại… Ngoài ra các doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí sản xuất, nên đã sử dụng những trang bị bảo hộ lao động kém chất lượng.
Để tránh việc sử dụng bừa bãi các trang thiết bị bảo hộ lao động kém chất lượng, một nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, đã đến lúc cần phải có chế tài dựa trên cơ sở nghiên cứu, tìm ra những tiêu chuẩn phù hợp quốc tế hiện nay.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần kiên quyết và có biện pháp ngăn chặn những mặt hàng bảo hộ lao động trôi nổi, không đảm bảo chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Ông Phan Đình Tuấn, kỹ sư bảo hộ lao động, Công ty Tu tạo và Phát triển Nhà Hà Nội cho biết: “Nếu như vấn đề về chất lượng thiết bị bảo hộ lao động không giải quyết được, chắc chắn số công nhân bị tai nạn trong quá trình lao động sẽ tiếp tục tăng cao hơn”.
Bảo Nam