Tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội:

Đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục

ANTĐ - Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đời sống của nông dân Thủ đô được cải thiện và ngày càng nâng cao; an sinh xã hội được bảo đảm; văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ được đẩy mạnh phát triển… Đó là những thành tựu mà thành phố đạt được trong 5 năm qua.
Đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục ảnh 1

Xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ rất quan trọng với Thủ đô ngàn năm văn hiến

Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đã đạt được kết quả tích cực. Trong 5 năm, đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn và liên thôn được bê tông hóa đạt 95%. Tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa đạt 80,5%, các xã đều có hệ thống loa truyền thanh.

Không còn phòng học tạm, dột nát và tình trạng phải học ba ca. 100% số xã có trạm y tế, có bác sỹ và nhiều xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Môi trường nông thôn được cải thiện, dân số nông thôn được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh đạt 100%. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, dân chủ được mở rộng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.  

Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Thủ đô được cải thiện, nhiều vùng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng lên, năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011. Dự kiến đến cuối năm 2015, toàn thành phố có 166/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Giai đoạn 2011-2015, thành phố đã đầu tư trên 3.068 tỷ đồng từ ngân sách để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho 49 dự án của 37 bệnh viện trên địa bàn. Công tác dân số, gia đình được chú trọng, bảo đảm ổn định mức tăng dân số tự nhiên và từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Việc chăm sóc sức khỏe, bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể, còn dưới 10%. 

Các chương trình, đề án, kế hoạch về giải quyết việc làm, dạy nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn, phát triển thị trường lao động được thực hiện có hiệu quả.

Bình quân mỗi năm đào tạo nghề, truyền nghề cho trên 15 vạn lao động và giải quyết việc làm cho 14 vạn lượt lao động; tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 4,8%. Nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt... được triển khai thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2015 giảm xuống còn 1,71%. 

Phong trào “đền ơn, đáp nghĩa” được đẩy mạnh, huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Công tác đấu tranh phòng, chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội được thực hiện quyết liệt. 

Văn hóa tiếp tục phát triển, một số mặt chuyển biến tích cực; thực hiện tốt các chủ trương về nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở; đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Hoạt động báo chí, xuất bản, truyền thông tiếp tục phát triển và đạt kết quả tích cực, góp phần phát huy dân chủ, định hướng dư luận xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của thành phố. Quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, dịch vụ Internet từng bước đi vào nền nếp. 

Nhiều phong trào, hoạt động xây dựng mô hình văn hóa ở cơ sở tiếp tục được triển khai đạt kết quả tốt; những giá trị, nét đẹp văn hoá của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa, phát huy. 

Sự nghiệp khoa học và công nghệ được đẩy mạnh, hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới, đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; Giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục được đổi mới, phát triển, dẫn đầu cả nước về các tiêu chí: quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện 04 đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức, nhân lực có trình độ cao, tay nghề cao, Việt kiều và chuyên gia nước ngoài. Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tiếp tục được hoàn thiện; công tác đào tạo nghề được đẩy mạnh cả về hình thức, loại hình, quy mô và chất lượng. 

(Trích Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV)