Đại lễ Vesak 2014: Lễ khai mạc mang tầm thế giới

ANTĐ - Từ sáng sớm 8-5, hàng vạn Phật tử trong nước đã có mặt tại chùa Bái Đính, Ninh Bình – ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á để tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014. Thời tiết buổi sáng khá mát mẻ, trong lành, thuận lợi cho các Phật tử từ khắp mọi nơi về tham dự lễ hội tôn giáo mang tầm cỡ thế giới, lần thứ 2 được tổ chức ở Việt Nam. 

Các chư tăng đức tôn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các tổ chức quốc tế tại lễ khai mạc

Chuẩn bị chu đáo

Dù số lượng du khách đến tham dự Đại lễ khá đông, tuy nhiên mọi hoạt động diễn ra trật tự và quy củ. Mọi nẻo đường dẫn đến chùa Bái Đính đều có các lực lượng cảnh sát giao thông trực phân luồng. Ngay từ sáng sớm, Phật tử từ khắp mọi nơi đã tụ họp tại sân chính điện Thích Ca để cùng chứng kiến nghi lễ tắm Phật. Sau màn niệm Phật, là lễ thả bóng bay và chim bồ câu lên bầu trời, với ước vọng hòa bình, cầu mong an lạc. 

Để chuẩn bị cho Đại lễ, một hội trường quốc tế với sức chứa 3.500 ghế ngồi với các trang thiết bị hiện đại đã được xây dựng trên diện tích 4.000m2. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động nghị sự, khai mạc, bế mạc Đại lễ. Về công tác hậu cần, BTC đã chuẩn bị hết sức chu đáo. Có tới 2.000 tình nguyện viên được huy động để làm công việc hướng dẫn, chào đón các đại biểu đến tham dự. Đồng thời, trong suốt 3 ngày Đại lễ, BTC bố trí tiệc buffet chay chiêu đãi 4.000 đại biểu chính thức và phục vụ những suất cơm chay miễn phí cho  40.000 bà con Phật tử. Để đảm bảo sức khỏe cho du khách, 9 đội cấp cứu lưu động được phân công ứng trực 24/7, trong khu vực chùa Bái Đính, khu sinh thái Tràng An, các khách sạn có đại biểu lưu trú… để kịp ứng phó với các trường hợp phát sinh. 

Thủ tướng Sri Lanka D.M Jayaratne và Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu 
trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Chùa Bái Đính, trong khuôn khổ Đại lễ

Khẳng định vị thế của Việt Nam

Đại lễ Vesak là một trong các hoạt động văn hoá mang tính quốc tế của Liên hợp quốc. Sau năm 2008, sự kiện trọng đại này một lần nữa diễn ra tại Việt Nam dưới sự chủ trì của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại quần thể chùa Bái Đính, Ninh Bình đã đem lại cơ hội, vinh dự, trách nhiệm cho Việt Nam trong việc truyền bá thông điệp và các giá trị về từ bi, hòa bình, bất bạo động, độ lượng của Đức Phật đến với thế giới, như lời hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak 2014 đã khẳng định. 

Đại lễ Vesak 2014, với sự tham dự của 1.500 đại biểu đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, với những thông điệp tốt đẹp được truyền đi của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, ngài Brahamapundit – Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế ICDV, Quốc vương Campuchia Sihamoni… cùng các nguyên thủ, lãnh đạo các giáo hội Phật giáo thế giới, các tổ chức quốc tế đã khẳng định tầm vóc, sự hưởng ứng và quan tâm của cộng đồng thế giới đối với sự kiện văn hóa tâm linh có sức lan tỏa  ngày càng lớn, vượt qua cả biên giới mỗi quốc gia này. 

Tới tham dự và phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc, song cũng sẵn sàng tiếp thu đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới và hội nhập với các nền văn hoá tiên tiến của nhân loại. Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội từ việc hướng con người tới đạo đức chân, thiện, mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam”. Đại lễ Vesak 2014 được tổ chức tại chùa Bái Đính, Ninh Bình lại càng có ý nghĩa hơn khi quần thể di tích Tràng An đang có nhiều tín hiệu khả quan trong việc trở thành Di sản thế giới do UNESCO công nhận.

Hôm nay, 9-5, trong khuôn khổ Đại lễ sẽ diễn ra nhiều hoạt động tâm linh như: Khóa lễ tụng kinh và cầu nguyện của các đoàn Phật giáo, Tụng kinh Đại lễ cầu quốc thái dân an, hòa bình thế giới… Đồng thời, các hội thảo chuyên đề tập trung quanh chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”  sẽ tiếp tục được tiến hành với các tham luận từ các đại biểu trong nước và quốc tế.