Đại biểu Quốc hội xót xa khi cử nhân bỏ bằng đại học đi làm xe ôm

ANTD.VN - Bày tỏ xót xa trước việc mỗi năm có gần 200.000 cử nhân thất nghiệp, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng, phải xem xét lại chế độ đánh giá công chức, lựa chọn nhân tài, loại ngay tư tưởng... công chức cả đời.

ĐB Nguyễn Quốc Hận trăn trở về vấn đề cử nhân ra trường thất nghiệp

Theo ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, số liệu từ Viện Khoa học, Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, đến hết quý II năm 2017, cả nước còn có 180.000 cử nhân chưa có việc làm. Đây là vấn đề đã được các ngành chức năng mổ xẻ nhiều nhưng vấn đề là vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu.

“Để có một tấm bằng cử nhân chứ chưa nói đến bằng thạc sĩ là cả một quá trình phấn đấu của một con người. Để đầu tư cho con em mình có tầm bằng đại học, nhiều gia đình đầu tư cả gia sản, bán cả ruộng vườn mà cả đời mình lao động cực nhọc, tích góp được để vun vén cho con ăn học, đó là chưa kể đến sự đầu tư của xã hội” – ĐB Hận chia sẻ.

“Thế rồi sau bao năm đèn sách, ra trường vác bằng đại học đi xin việc khắp nơi nhưng không được đón nhận. Đây quả là một sự hẫng hụt lớn. Trên một số trang mạng tôi biết có trường hợp cử nhân  do phẫn uất đã tự tay bỏ tấm bằng đại học mà sau bao ngày phấn đấu cật lực của mình mới có được để đi làm một việc khác, công việc mà không cần phải học hành nhiều cũng làm được, đó là chạy xe ôm” – ĐB đoàn Cà Mau xót xa.

Về giải pháp, ĐB Nguyễn Quốc Hận đi vào bình luận ở góc độ bộ máy nhà nước còn bất cập. Theo ĐB này, thực tế có một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc, trong khi nguồn nhân lực của chúng ta không thiếu, thậm chí là đang dư thừa.

“Cho nên vấn đề đặt ra là tại sao công chức thì phải là công chức suốt đời, dẫn đến tình trạng chạy đua bằng mọi cách để vào công chức, chạy vào được rồi thế là đã được bao bọc suốt đời, cứ làm việc từ từ, cứ đến tháng thì lĩnh lương, đến năm thì lên lương, đến tuổi về hưu thì có bảo hiểm xã hội. Với lực lượng làm việc từ từ như vậy thì sao bộ máy vận hành nhanh hơn, tốt hơn? Nên chăng đã đến lúc chúng ta phải tính lại tính cạnh tranh trong công chức” – ĐB Nguyễn Quốc Hận nêu quan điểm.

Nói rõ hơn về giải pháp này, ĐB Hận cho biết, có thể cứ sau vài năm chúng ta nên đánh giá lại công chức một lần và đánh giá một cách thực chất chứ không như quy trình đánh giá cán bộ, công chức mang tính hình thức như hiện nay. Trên cơ sở đó, chúng ta loại ra khỏi công chức một số người không còn đủ điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu công việc.

“Chúng ta cần tuyển dụng đội ngũ công chức mới vào để thay thế cho những người năng lực yếu bị loại. Đây cũng có thể cho là một giải pháp tạo đầu ra cho nạn thất nghiệp đã qua đào tạo. Việc này chống lãng phí chất xám, lãng phí nguồn nhân lực nhưng đồng thời cũng tạo sự cạnh tranh, chọn được người nổi trội, qua đó góp phần nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước” – ĐB Nguyễn Quốc Hận nói thêm.