Đại biểu Quốc hội: Phải có đối sách cân bằng, phòng thủ chặt chẽ ngăn chặn vi phạm của Trung Quốc ở biển Đông

ANTD.VN -Phát biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội chiều 31-10, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, về lâu dài Việt Nam phải có đối sách cân bằng và phòng thủ chặt chẽ để ngăn chặn sự vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên biển Đông.

Cũng theo Đại biểu Lê Thanh Vân, lâu nay, dã tâm của Trung Quốc là không từ bỏ thủ đoạn chiếm đoạt biển Đông thành ao nhà. Trung Quốc đang triển khai đồng thời các biện pháp về tâm lý, truyền thông và pháp lý để thực hiện dã tâm này.

Về tâm lý, Trung Quốc rao giảng cho các thế hệ người dân rằng, biển Đông là của Trung Quốc. về truyền thông, nước này rêu rao nội dung trên trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng. Về pháp lý, Trung Quốc tìm mọi cách sửa lại diễn đạt của Luật Biển và trên thực tế, nước này đang tiến hành xâm lấn các quốc gia ven biển.

"Vì vậy chúng ta cũng phải có đối sách tương ứng để đối phó với Trung Quốc, đó là sử dụng công luận, công khai và công pháp" - Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phát biểu thảo luận

Về công luận, chúng ta phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, củng cố hồ sơ để chứng minh cho thế giới biết, biển Đông thuộc về Việt Nam.

Về công khai, chúng ta cần công khai các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cho người dân trong nước và thế giới biết.

Về công pháp, chúng ta sử dụng công cụ pháp lý. Về lâu dài chúng ta phải có đối sách cân bằng và phòng thủ chặt chẽ để ngăn chặn sự vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên biển Đông - Đại biểu Lê Thanh Vân phân tích.

Ngoài nội dung trên, Đại biểu Lê Thanh Vân còn đề xuất Chính phủ nên tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế trên cơ sở chủ trương đường lối chính sách của Đảng. Về thể chế tổ chức, Đại biểu này đề nghị Chính phủ triển khai rà soát chức năng, nhiệm vụ của hệ thống hành chính, đặc biệt là ở các bộ ngành để tránh trùng lặp, phân loại, phân công hợp lý để bộ máy hành chính tinh thông, tinh nhuệ và thống nhất.

Về tổ chức nhân sự, Chính phủ nên triển khai sớm chủ trương của Đảng về trọng dụng nhân tài, tự tiến cử nhân tài.

Về kinh tế, Chính phủ nên tập trung vào các nhóm vấn đề: Hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm năng lực của các thể nhân, pháp nhân trong bảo đảm tài sản, thực hiện hợp đồng, gây dựng niềm tin, sự yên tâm của nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, cần sớm ban hành các văn bản quy định về năng lực của các doanh nghiệp trong nước đủ khả năng tiếp cận vốn, huy động vào việc đầu tư cho công nghệ cao, ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, từng bước thay thế các doanh nghiệp FDI để phát huy nội lực.

Đặc biệt, Nhà nước cần ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ rủi ro phi lợi nhuận, hoàn thiện thể chế về văn hóa trên cơ sở rà soát lại các quan hệ xã hội cần thiết điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật. Có như vậy mới bảo vệ được giá trị cốt lõi về văn hóa vật chất và văn hóa lịch sử của dân tộc - Đại biểu Lê Thanh Vân nói.