Đại biểu Quốc hội: Nỗi đau từ thảm kịch cháy chung cư Carina có đủ thức tỉnh lương tri?

ANTD.VN -Phát biểu thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, thảm kịch 39 người chết trong container ở Anh đã gây chấn động dư luận, nhưng thảm kịch do chết cháy mỗi năm còn gấp đôi số đó, chưa kể hàng trăm người bị thương, hàng nghìn tỷ đồng bị thiệt hại...

Cần kiên quyết không thỏa hiệp đối với các sai phạm

Cũng theo Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), hơn 1 năm sau thảm kịch cháy chung cư Carina  ở TP.HCM khiến 13 người chết, gần 100 người bị thương, nhiều nỗi đau đã nguôi ngoai nhưng trong tâm trí người lính cứu hỏa và cư dân nơi đây, mọi thứ như mới xảy ra hôm qua. Nhiều người vẫn giật mình khi nghe tiếng còi cứu hỏa.

"Hệ quả khủng khiếp là vậy nhưng công tác PCCC còn khá nhiều tồn tại. Từ báo cáo giám sát cho thấy nhân lực, vật lực PCCC không đạt cả về chất và lượng. Phương châm "4 tại chỗ" không ngoài mục đích "nước xa không cứu được lửa gần", song mới chỉ có trên 20% số vụ hỏa hoạn được xử lý bởi lực lượng tại chỗ" - Đại biểu Nhân phân tích.

Trên cơ sở đó, vị đại biểu này đặt câu hỏi, “Quốc hội nghĩ gì về số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe chất lượng kém, hư hỏng chiếm trên 50%. Về nguồn nước cứu hỏa, riêng ở Hà Nội thiếu gần 300 bể nước, hàng trăm trụ nước không sử dụng được, trong khi đó nguồn nước tự nhiên ở các ao hồ ngày càng cạn kiệt"? 

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) phát biểu thảo luận

Tiếp theo phần phát biểu, Đại biểu Nhân đau xót chia sẻ, cháy xảy ra bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, cháy trước khi đoàn giám sát đến và ngay sau khi đoàn kiểm tra rời đi. Hậu quả là những câu "giá như" không có hồi kết. Chừng nào tình trạng thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm, sự lơ là mất cảnh giác của người dân vẫn còn thì dù có tổ chức bao nhiêu lớp tập huấn, kiểm tra về PCCC cũng khó lòng mong công tác PCCC đạt hiệu quả.

Đại biểu cũng cho rằng, không ai có quyền cho mình chối từ rủi ro, bất hạnh nhưng người dân có quyền Hiến định đó là tính mạng, sức khỏe được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, việc sinh sống trong các công trình có nguy cơ cao về cháy nổ chưa được nghiệm thu về PCCC thì liệu quyền trên có được đảm bảo một cách đầy đủ, nghiêm túc?  

Lẽ nào những nỗi đau tận cùng sau thảm kịch Carina chưa đủ thức tỉnh lương tri những người có trách nhiệm để chấm dứt câu chuyện phạt cho tồn tại? Điều quan trọng là sau giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018, thực trạng về PCCC sẽ như thế nào, tình trạng "ném đá ao bèo" liệu có lặp lại?

"Cái cần hơn 1 đạo luật, một Nghị quyết là cái tâm kiên quyết không thỏa hiệp đối với các sai phạm, sự tắc trách từ cơ quan chức năng và tinh thần cảnh giác cao độ của doanh nghiệp và người dân trong ý thức về PCCC để không còn tái diễn những thảm kịch như trong thời gian qua" - Đại biểu Nhân nhận định.

Nhiều nơi khoán trắng nhiệm vụ PCCC cho công an, kiểm lâm

Cùng tham gia phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, thời gian qua, các tổ chức PCCC đã được tăng cường lực lượng chuyên nghiệp và lực lượng toàn dân, được đầu tư trang thiết bị thiết yếu, công tác PCCC đạt được nhiều kết quả, hạn chế thiệt hại về cháy nổ.

Tuy vậy, một số địa phương vẫn gần như khoán trắng nhiệm vụ PCCC cho lực lượng công an, kiểm lâm, hệ thổng tổ chức PCCC chưa được quan tâm đúng mức. Một số nơi thiết bị, phương tiện PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu, quy chuẩn  (nhà từ 10-20 tầng mọc lên hàng loạt nhưng thang chữa cháy chỉ đến tầng 7, nhiều cảng biển chưa có hệ thống chữa cháy trên sông trên biển…).

Đại biểu Sơn phân tích, trong điều kiện ngân sách khó khăn, chế độ đối với cán bộ PCCC chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chính sách khuyến khích tổ chức cá nhân tình nguyện tham gia công tác PCCC. Lực lượng công an, kiểm lâm trực PCCC 24/24 nhưng điều kiện, trang thiết bị hầu như không có gì, chế độ trực chiến không đáng kể nên không thể động viên lực lượng này nâng cao trách nhiệm trong công tác PCCC.

Do vậy, vị Đại biểu này đề nghị Chính phủ sớm có quy định, triển khai thống nhất về chế độ chính sách đối với lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, kiểm lâm nhất là lực lượng cứu hộ, giám sát thường trực, đầu tư thiết bị cơ sở hạ tầng cho lực lượng PCCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng thời, trang bị thêm thiết bị PCCC cho dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên như cưa máy, máy thổi, dụng cụ cấp cứu, phun sương.., có cơ chế thúc đẩy xã hội hóa trong PCCC, khuyến khích người dân hỗ trợ hậu cần cho lực lượng chữa cháy như nước uống, suất ăn…