Đại biểu Quốc hội: Nếu gặp "đại bàng" trong trường giáo dưỡng "chỉ bài", trẻ nghiện ma túy sẽ càng nguy hiểm hơn

ANTD.VN -Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, “không nên đưa người nghiện ma túy từ 12 - dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng mà nên để gia đình quản lý, làm cam kết vì đưa đối tượng này vào trường giáo dục chưa chắc đã có tác dụng tích cực. Nếu gặp “đại bàng” trong trường giáo dưỡng “chỉ bài”, sau khi các em ra về gia đình sẽ càng nguy hiểm hơn”.

Thảo luận về nội dung trên, Đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) và một số đại biểu khác cho rằng cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng đối với nhóm đối tượng này vì mục đích áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục, phòng ngừa chứ không phải là trừng phạt.

Còn theo Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên), quy định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) phát biểu

Theo Luật Trẻ em, BLDS 2015,  đây là điều luật áp dụng cho trẻ em, người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần. Khi tình trạng này ngày càng gia tăng,  việc thực hiện cai nghiện cho đối tượng này theo luật Phòng, chống ma túy còn nhiều bất cập thì việc bổ sung biện pháp mạnh, cai nghiện bắt buộc nhằm giúp trẻ tìm lại chính mình là cần thiết.

Tuy vậy, theo Đại biểu Hiền, trẻ em trong độ tuổi từ 12 - dưới 18 tuổi dù trong hoàn cảnh nào cũng thuộc nhóm người yếu thế.  Đây là nhóm trẻ em đặc biệt, cần sự can thiệp, trợ giúp đặc biệt của Nhà nước, gia đình, xã hội. Ở tuổi này trẻ em luôn trong tư thế phòng vệ cao, thu mình, phản ứng thái quá, hoặc khó thừa nhận mình có hành vi sử dụng ma túy.  

Trong khi đó, trường giáo dưỡng là nơi áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với  người có hành vi vi phạm pháp luật, biện pháp giáo dục mang tính trừng phạt, là nơi không có chức năng chữa bệnh, cai nghiện ma túy, không có lực lượng đội ngũ chuyên sâu thực hiện cai nghiện.

“Quy định trên chưa phù hợp với chính sách đặc biệt dành cho trẻ, chỉ chú trọng giải quyết hậu quả,  dễ gây ra việc trẻ tự dán nhãn mình là người làm trái luật, là người đã có tì vết về nhân phẩm, đạo đức. Bởi chính rào cản về nhận thức, quan niệm xã hội hiện nay cứ bước ra từ trại giáo dưỡng nghĩa là quá khứ của trẻ đã có một vệt xám” - Đại biểu Hiền nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 12 - dưới 18 tuổi cần hết sức cân nhắc.

Bởi lẽ, trường giáo dưỡng là nơi dành cho đối tượng chưa thành niên phạm tội cố ý hoặc vô ý nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự. Trẻ em được đưa vào trường có hoàn cảnh khó khăn, tuổi thơ phức tạp, không được giáo dục đầy đủ dẫn đến lệch lạc trong nhận thức. Mục đích đưa trẻ vào trường nhằm trang bị kiến thức văn hóa, giáo dục tư cách, tạo môi trường sinh hoạt, lao động học nghề cho các em.

Trẻ nghiện ma túy phải có biện pháp chữa trị hợp lý. Trong khi đó chức năng chính của trường giáo dưỡng là quản lý học tập, học nghề, không có chức năng chữa bệnh và cai nghiện ma túy.

 Do đó, nếu đưa những người thanh niên nghiện ma túy vào sinh hoạt trong ngôi nhà chung với thanh - thiếu niên khác thực hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội, sẽ không phù hợp và ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý của các em sau này và vô hình trung tạo ra các hành vi vi phạm pháp luật sau này cho trẻ em.