Đại biểu Quốc hội: Không đâu có tình trạng mỗi tỉnh một dự án

ANTD.VN -Trong phiên họp sáng 29-10, Quốc hội thảo luận về phân bổ ngân sách, đầu tư công trung hạn. 

Cho ý kiến về phân bổ ngân sách, đầu tư công trung hạn, hầu hết các Đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương về tài chính ngân sách, đầu tư công trong thời gian qua.

Góp ý thêm về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng, các đại biểu cho rằng cần đổi mới phương thức bố trí vốn ODA để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án; cụ thể hóa phương án nguồn kinh phí, chống dàn trải, nợ đọng, xin cho trong bố trí vốn đầu tư công trung hạn; cơ cấu lại nguồn thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, có giải pháp chống thất thu, nợ thuế...

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nhận định, việc phân bổ chia vốn đầu tư trung ương vượt số tiền có thể cân đối được. Theo phương án của Chính phủ, các dự án đã được ghi tên và cấp vốn cụ thể trong kế hoạch trung hạn, phần ngân sách trung ương phải cắt giảm khoảng 60.000 tỷ đồng, nếu sử dụng dự phòng, các dự án này tiếp tục phải cắt giảm sâu hơn, khoảng 150.000 tỷ đồng. Điều này dẫn tới các dự án bị dàn trải, chậm tiến độ, tạo ra áp lực rất lớn cho giai đoạn sau, làm phát sinh cơ chế xin cho. Do đó, theo Đại biểu Hàm, Chính phủ cần cân nhắc, lựa chọn 1 trong 2 phương án:

Nếu Chính phủ vẫn giữ khả năng cân đối nguồn như đã trình thì phải rà soát các dự án đã ghi tên mức tiền để cắt giảm các kế hoạch trung hạn đã giao cho các dự án không thể giải ngân hết vốn hoặc dự án có mức độ cấp thiết ít nhất, đồng thời sử dụng số vốn cắt giảm đó để bù cho các dự án đang triển khai nhưng thiếu nguồn. Bên cạnh đó, cần lập kế hoạc triển khai các dự án cấp bách để đầu tư cho giai đoạn tiếp theo, chấp nhận việc 1 số dự án bị đình hoãn và không sử dụng dự phòng.

Còn nếu Chính phủ nhất thiết thực hiện phân bổ theo phương án đã trình thì phải cân đối thêm nguồn bằng cách xin Quốc hội cho sử dụng tăng thu ngân sách trung ương 2019-2020 (nếu có), báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cổ phần thoái vốn đang dư tại Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vì bản chất tiền này thuộc ngân sách.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) phát biểu thảo luận

“Trong điều kiện ngân sách eo hẹp để giải quyết thiếu hụt nguồn lực so với nhu cầu không thể tròn trịa được nên chỉ có 2 con đường: Cắt giảm nhu cầu, giãn hoãn một số dự án hoặc dùng giải pháp tình thế để tăng nguồn lực và có thể bị thay đổi một số mục tiêu” - Đại biểu Hàm nói.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), Báo cáo của Chính phủ nêu khả năng cân đối ngân sách bố trí hàng năm gặp không ít khó khăn, việc lựa chọn dự án phù hợp để đưa vào đầu tư còn nhiều bất cập, các bộ ngành địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa có giải pháp cụ thể để lựa chọn dự án tối ưu , giải quyết tình trạng mất cân đối đáp ứng nguồn vốn… Vị Đại biểu này cho rằng, Báo cáo chưa nêu được cụ thể đầu tư công thời gian qua có bao nhiêu dự án có hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, cần được xem xét, điều tra, khởi tố… Chỉ khi làm rõ vấn đề này mới có thể xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, xử nghiêm sai phạm, ngăn chặn được tình trạng thất thoát lãng phí vốn trong thời gian qua.

Từ phân tích trên, Đại biểu Phương kiến nghị, “Chính phủ cần tiếp tục chỉ đao, bổ sung vào các báo cáo thanh tra, xử lý các sai phạm thời gian qua, chỉ rõ bao nhiều dự án bị thu hồi, bị phá sản để cảnh báo, răn đe, rút kinh nghiệm. Quốc hội, Chính phủ cần rà soát tổng thể để có giải pháp xử lý từng nguyên nhân hạn chế nêu trong báo cáo. Khi lò đang nóng, việc xử lý nghiêm các vi phạm cần được tiến hành khẩn trương, đúng quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan phải nhanh chóng sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa hợp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tạo nguồn thu cho quốc gia và doanh nghiệp. Các cơ quan, doanh nghiệp có giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ yếu kém về năng lực, trình độ".

Cũng cho ý kiến về phân bổ ngân sách, đầu tư công trung hạn, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) khẳng định, việc đổi mới là cần thiết, đúng đắn và những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, khi thực tế đầu tư công vẫn còn việc đầu tư dàn trải, nhiều dự án vẫn còn dở dang, thiếu vốn, không ở đâu mỗi tỉnh có một dự án... Đại biểu Mai cho rằng, cần ưu tiên tập trung vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án trọng điểm có quy mô lớn, có khả năng lan tỏa vùng, miền, tránh đầu tư dàn trải, cào bằng...