Đại biểu Quốc hội hứa sẽ chất vấn vì sao chuyển từ "thu phí" sang "thu giá BOT"

ANTD.VN - Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương, các dự án BOT hiện nay hầu hết làm trên đường sẵn có, đường độc đạo nên nếu chuyển từ thu “phí” sang thu “giá” dịch vụ dễ dẫn tới giá độc quyền, bất ổn.

ĐBQH Bùi Văn Phương trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

Chiều 23-5, ĐBQH Bùi Văn Phương đã trao đổi với báo chí về việc Bộ GTVT quyết định việc chuyển từ “trạm thu phí BOT” sang “trạm thu giá BOT” đang được dư luận rất quan tâm mấy ngày qua. Ông Phương cho rằng, về bản chất, chuyển sang thu “giá BOT” là đúng, những phải xác định từng dự án cụ thể.

ĐB này phân tích, dự án BOT do nhà đầu bỏ tiền ra đầu tư nên họ tính giá dịch vụ và những người sử dụng dịch vụ đó phải trả giá dịch vụ mình sử dụng. Cho nên chuyển từ phí sang giá là đúng với bản chất kinh tế thị trường. Nếu vẫn để phí, theo thẩm quyền do HĐND quyết định thì phản ánh không đúng.

Nhưng cũng giống như nhiều ý kiến người dân, điều ĐBQH này quan tâm, băn khoăn là khi chuyển từ phí sang giá thì khả năng doanh nghiệp đầu tư BOT sẽ đẩy giá lên. Lý do vì lúc trước, thu phí cần sự kiểm soát của Nhà nước. Nay giá do doanh nghiệp định sẽ nảy sinh vấn đề.

“Theo nguyên tắc thị trường, doanh nghiệp làm dự án BOT, cung cấp sản phẩm, người dân có quyền lựa chọn dùng hay không dùng. Thế nhưng, dự án BOT hiện nay làm hầu như làm trên đường hiện hữu, đường độc đạo nên người dân không có lựa chọn nào khác. Điều đó có nghĩa, thu giá dịch vụ nhưng lại là giá độc quyền” – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nói.

Từ băn khoăn đó, ông Phương đề nghị, chuyển từ phí sang giá là quá trình cần phải tính toán kỹ. “Quan điểm của tôi là cơ quan chuyên môn phải làm rõ cơ sở, căn cứ chuyển sang giá. Nếu dự án BOT xác định là giá thì thu ở cung đường nào. Nếu cung đường trên nền đường cũ do Nhà nước đầu tư, cấu trúc đường độc đạo thì việc thu giá là bất ổn” – ĐB Phương nói thêm, đồng thời chia sẻ “trong phiên chất vấn trước Quốc hội tới đây, tôi sẽ hỏi cơ sở nào chuyển từ phí sang giá”.

“Tôi cho rằng, có những trạm không được chuyển sang giá mà vẫn phải là phí. Đơn cử, đường độc đạo, đường hiện hữu mà trước đây Nhà nước đầu tư, những đường này, doanh nghiệp không thể tự định giá” – ông Phương nói thêm.

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng đường BOT chỉ do doanh nghiệp góp "cổ phần" chứ không phải sở hữu

Đồng quan điểm, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, việc dư luận phản ứng chuyện Bộ GTVT đổi tên trạm thu phí BOT thành thu giá BOT xuất phát từ nguyên nhân thiếu minh bạch, công khai trong đầu tư BOT. Thu phí hay thu giá thì cơ quan quản lý Nhà nước phải làm rõ, minh bạch, công bằng lợi ích các bên.

Ông Quốc nêu quan điểm, đường BOT không phải sở hữu của nhà đầu tư nên thu phí là hợp lý, chứ không thể thu giá. “Ở đây thực chất doanh nghiệp đóng góp "cổ phần" giá trị con đường chứ không phải chủ sở hữu nên không thể thu giá được. Họ không thể bán cái mình không có, mà chỉ có thể thu tỷ lệ nào đó theo thời gian xác định" – ĐB đoàn Đồng Nai phân tích.

Ngược lại, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lại có quan điểm khác. Ông Kiên cho rằng, việc chuyển từ phí sang giá một số dịch vụ đã được quy định trong luật. Những dịch vụ nào không nằm trong danh mục phí sẽ được chuyển sang thu giá.

“Có thể luật chưa bao quát hết các vấn đề xã hội nhưng ít nhất cũng "phủ" được 85-90%. Theo tôi, chúng ta nên tôn trọng thực tiễn, cam kết của Chính phủ. Ở đây hai bên cùng có lợi chứ không phải một bên nào” – ĐB Nguyễn Đức Kiên nói.