Đại biểu Quốc hội hiến kế thu hồi triệt để tài sản tham nhũng

ANTD.VN - Chiều 6-11, tham gia thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt tới việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề rất quan trọng nhưng trong báo cáo của Viện kiểm sát và Chính phủ gần như không đề cập hoặc rất ngắn và nhạt nhòa, không đưa ra giải pháp nào cho vấn đề này.

Theo dõi việc thu hồi tài sản một số vụ án tham nhũng lớn, ĐB Hiển cho rằng số tiền thu về cho ngân sách quốc gia là không đáng kể. Ông Hiển kiến nghị: "Các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án phải xem việc thực hiện tốt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là một trong những chính sách quan trọng, ưu tiên hàng đầu".

ĐB Mai Thị Phương Hoa tại phiên thảo luận chiều 6-11 (Ảnh Bảo Lâm)

ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đánh giá, dù cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu và có tuyên những bản án nghiêm khắc đến mấy mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng thì thiệt hại được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và 400 hecta đất. Tuy nhiên tỷ lệ được thu hồi thấp hơn rất nhiều tài sản bị chiếm đoạt, cụ thể chỉ thu hồi được 7,82% về tiền, tài sản và 54,15% về đất. Những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu.

Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ĐB Phương Hoa chỉ ra: Đa số tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, người phạm tội thường là có chức quyền, có trình độ học vấn chuyên môn nhất định, vì vậy việc phạm tội có sự chuẩn bị kỹ càng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, tài sản tham nhũng được che giấu kỹ lưỡng. Trong nhiều trường hợp, tài sản tham nhũng được chuyển hóa, chuyển đổi, tẩu tán, thậm chí sử dụng vào tiêu xài hoang phí nên khi phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả.

Trong quá trình tiến hành tố tụng, nhiều cơ quan tố tụng chưa quyết liệt trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chưa kịp thời trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, cấm chuyển dịch tài sản...

Về kê khai tài sản, ĐB Phương Hoa cho rằng hiện mới dựa chủ yếu vào ý thức tự giác của người kê khai, chưa có quy định cơ chế hữu hiệu để kiểm soát tài sản của doanh nghiệp nói chung và người có chức có quyền trong bộ máy cơ quan nhà nước nói riêng. Ngoài ra, thói quen sử dụng công cụ thanh toán bằng tiền mặt vẫn là chủ yếu, khiến công tác nhận diện tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn. 

Từ phân tích trên, ĐB Phương Hoa kiến nghị: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện về pháp luật phòng chống tham nhũng theo hướng mở rộng một cách hợp lý diện đối tượng kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản cần thực chất hơn.

Thứ hai, quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản một cách chủ động. Qua quá trình tố tụng, khi đã xác định khối tài sản do hành vi tham nhũng mà có, cần có biện pháp kiên quyết thu hồi triệt để, trả lại cho chủ sở hữu, chủ quản lý hợp pháp hoặc xung công quỹ Nhà nước.

Thứ ba, trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng, cơ quan tố tụng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, kịp thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn đầu giải quyết vụ án, tránh tài sản tham nhũng có thể bị tẩu tán.

Thứ tư, đề nghị các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng, ngay từ giai đoạn đầu bên cạnh chú trọng công việc xử lý trách nhiệm hình sự mà còn cần quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp để làm sao thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng mà có.