Đại biểu Quốc hội góp ý Luật Cư trú (sửa đổi): Bỏ được hộ khẩu, người dân rất ủng hộ

ANTD.VN - Chiều 9-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về một số ý kiến còn khác nhau về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), trước khi đưa ra thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên)

Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, việc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy trong suốt thời gian dài qua đã bộc lộ nhiều bất cập, nếu giờ bỏ được thì người dẫn rất ủng hộ vì khi đi giao dịch sẽ không còn phải mang theo giấy tờ rườm rà.

Tuy nhiên ông Hùng đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ các vấn đề phát sinh bởi hiện có tới gần 30 thủ tục hành chính liên quan tới hộ khẩu.

“Luật phải tạo hành lang pháp lý để làm sao dữ liệu được liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân trong trường hợp có vấn đề phát sinh khi thực hiện các thủ tục hành chính”, ông Hùng đề nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ

Tại tổ Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu vấn đề, việc quy định xóa đăng ký thường trú nếu vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng như dự thảo sẽ khiến nhiều người dân chuyển từ thường trú thành tạm trú với con số khoảng 1,2 triệu người.

"Như vậy, việc thống kê dân cư của một địa phương sẽ thực hiện ra sao, thống kê dân số liệu có thay đổi không sau tổng điều tra dân số năm 2019", Bí thư Thành uỷ Hà Nội đặt câu hỏi và cho rằng vấn đề này liên quan đến nhiều vấn đề như phân bổ ngân sách địa phương.

Lo ngại việc bỏ quy định điều kiện đăng ký thường trú sẽ gia tăng dân số cơ học tại các thành phố, gây áp lực cho hệ thống y tế và giáo dục, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng tác động của một số nội dung được nêu trong dự thảo Luật đến tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương.

Cùng băn khoăn này, đại biểu Hoàng Văn Hùng cho biết, thực tế ở nhiều vùng quê, người dân đi làm thuê 1-2 năm mới về một lần là chuyện bình thường. Nếu xoá thường trú có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của họ cũng như con cái, người thân.

Còn đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho biết, có những trường hợp được cử đi công tác dài hạn không thể tự xác định thời gian, vì vậy quy định như dự thảo luật là chưa thật sự hợp lý.

Đại biểu Trần Văn Quý (đoàn Hưng Yên) cho biết việc đăng ký mã số định danh cá nhân mục tiêu sẽ hoàn thành vào tháng 6-2020 (trước thời điểm luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2021), tuy nhiên mới thực hiện được với 16 triệu người dân, còn khoảng 80 triệu người.

Theo đề án dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để thực hiện cấp mã số định danh cho 80 triệu người dân còn lại, cần nguồn kinh phí khoảng 3.500 tỷ đồng nằm trong danh mục đầu tư công của nhiệm kỳ 2016-2021. Nếu phải đợi vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2016 thì Quốc hội chưa quyết.

“Như vậy việc hoàn thành cấp mã số định danh cá nhân có hoàn thành trước tháng 6-2021 hay không, nguồn lực nào để thực hiện nhiệm vụ này?”, ông Quý nói và đề nghị ban soạn thảo làm rõ.