Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm soát tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công lập

ANTD.VN - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hiện nhiều bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí cho người bệnh…

Phiên giải trình của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Sáng nay, 3-10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cuối năm 2018, Ủy ban này đã thành lập Đoàn giám sát và tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố, đồng thời nghiên cứu báo cáo của 8 địa phương về kết quả thực hiện chính sách tự chủ bệnh viện.

Qua giám sát cho thấy, hiện nay, 100% bệnh viện công đã được giao tự chủ với mức tự chủ ngày càng cao. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực hiện, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ; các bệnh viện cũng có thêm nguồn thu để đầu tư bệnh viện khang trang hơn…

Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng cho thấy, nhiều văn bản hướng dẫn liên quan đến cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế chưa hoàn thiện; việc thực hiện cơ chế tự chủ còn khó khăn đối với tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa; các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa được tự chủ thực chất.

Đặc biệt, còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng gánh nặng cho người bệnh và góp phần bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm rõ một số nội dung tại phiên giải trình

Làm rõ các nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc thực hiện cơ chế tự chủ bệnh viện đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện.

Thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã có sự thay đổi tích cực, chuyển từ tư duy “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ".

Về những khó khăn, tồn tại trong thực hiện cơ chế tự chủ bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc cho phép các đơn vị tự chủ về tài chính được phép thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành thì có thể dẫn đến đơn vị sẽ giải thể hoặc không phát triển các khoa, bộ phận không có thu hoặc nguồn thu thấp, chỉ tập trung phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu.

Tương tự, nhiều bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng... có nguồn thu thấp nhưng vẫn giao tự chủ thì dễ dẫn đến việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ, hoặc chỉ định nhập viện để điều trị nội trú chưa đúng quy định. Việc tạm ứng, thanh toán BHYT còn chậm...

Bộ trưởng Y tế cho biết thêm, giá viện phí hiện vẫn chưa được tính đúng, tính đủ; còn nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT… cũng gây ra nhiều khó khăn đối với các đơn vị tự chủ bệnh viện.

Qua thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cho rằng tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng và cần thiết để thúc đẩy các bệnh viện phát triển, song cũng lo ngại và đề nghị cần có biện pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công lập.