Đại biểu Quốc hội đang ở đâu trong hệ thống cán bộ?

ANTD.VN - “Đại biểu Quốc hội hiện xếp vào hàng nào của hệ thống cán bộ, hệ thống chính trị?”, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đặt vấn đề trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, chiều 9-6.

Ông Phương cho biết, ở nhiều quốc gia trên thế giới, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là chính khách, có yêu cầu tiêu chuẩn rất cao, để trở thành nghị sỹ Quốc hội chắc chắn không dễ.

Còn ở Việt Nam chúng ta, ĐBQH chưa xếp vào hàng nào trong hệ thống cán bộ. Tất cả cán bộ từ cấp cao đến cấp thấp đều có quy hoạch để bồi dưỡng, đào tạo nhưng ĐBQH thì không.

Đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị phải có tiêu chí cụ thể đối với ĐBQH

Theo ông Phương, mỗi một dạng cán bộ, ngoài tiêu chuẩn chung thì phải có tiêu chuẩn cụ thể. Tiêu chuẩn cụ thể này là tiêu chí rất quan trọng để lựa chọn người đủ tiêu chuẩn bố trí vào vị trí làm việc.

"Còn nếu chỉ quy định chung như hiện hành thì soi vào đâu chúng ta cũng tìm thấy ĐBQH. Nếu dễ như thế thì chất lượng Quốc hội sẽ ra sao?", ông Phương băn khoăn.

Vị đại biểu đoàn Ninh Bình cho rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, quyết định mọi vấn đề từ kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại…

Điều đó đòi hỏi ĐBQH phải có am hiểu tương đối toàn diện các vấn đề của đất nước. ĐBQH không thể nói việc này tôi không học, không làm nên không biết, không tham gia được mà phải biết để tham gia.

Đại biểu Bùi Văn Phương đề xuất các tiêu chuẩn cụ thể đối với một ĐBQH: Phải có am hiểu tương đối toàn diện các mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy, phản biện. Có kỹ năng diễn đạt, biểu đạt ý kiến.

Đồng ý với đề xuất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nâng tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách từ tối thiểu 35% lên mức 40%, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, Quốc hội phải là nơi hội tụ những người ưu tú, hiểu biết, tận tâm, tận lực và quan trọng là đại biểu có thời gian thực thi nhiệm vụ.

“Sẽ rất khó cho một ĐBQH khi dù giỏi đến mấy nhưng ngồi họp lại phân tân tới những công việc quan trọng khác mà cá nhân họ đang là người phải gánh vác. Sẽ rất khó cho người đại biểu mà lại sợ ngồi họp ở Quốc hội, sợ phát biểu ý kiến”, ông Trí nói.

Từ trải nghiệm của bản thân, ông Trí thừa nhận để làm một ĐBQH không dễ, vì phải có quỹ thời gian đủ để nghiên cứu tài liệu, tham gia các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri.

Vì vậy, ông đề nghị khi bầu cử, các đơn vị cần đề xuất người có năng lực và đặc biệt là đủ quỹ thời gian làm ĐBQH, đồng thời ai đó được đề nghị tham gia Quốc hội cần tự lượng sức mình, lượng quỹ thời gian của mình, nếu thấy không đáp ứng được thì nên mạnh dạn từ chối.

Quốc hội nên họp 2 kỳ hay 4 kỳ một năm?

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí cùng một số đại biểu kiến nghị mỗi năm Quốc hội nên họp 4 kỳ, với thời gian ngắn dao động từ 7-10 ngày, thay vì hai kỳ, mỗi kỳ kéo dài 20-40 ngày như hiện nay.

Về vấn đề này, điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Hiến pháp 2013, điều 83, khoản 2 đã quy định: Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ. Trong trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội hay ít nhất 1/3 số lượng đại biểu yêu cầu thì Quốc hội mới họp bất thuường.

“Đây là quy định của Hiến pháp, vì vậy trong điều kiện chúng ta chưa có sửa đổi thì đề nghị các đại biểu cho giữ như quy định hiện hành”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.