Đại biểu Quốc hội: Có nhiều chính sách "quan có cần nhưng dân chưa vội"

ANTD.VN -Phát biểu thảo luận Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sáng 1/11, Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho rằng, do có quá nhiều chính sách dẫn đến chồng chéo phân tán, có chính sách “Quan có cần nhưng dân chưa vội - Quan có vội, quan lội quan sang”.

Tham gia thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều nhấn mạnh ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng và tính cấp thiết về việc xây dựng và triển khai Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn...

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nội dung nêu trong dự thảo đề án có tính khoa học và thực tiễn cao. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, góp ý, đề xuất một số nội dung như bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bảo tồn chữ viết, tiếng nói, bảo đảm không gian sống (đất ở, đất sản xuất) của các dân tộc thiểu số; bảo đảm cho đồng bào sinh hoạt văn hóa, tôn giáo theo quy định của pháp luật; đào tạo, bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số...

Đã cử đương nhiên phải tuyển 

Cho ý kiến về một số nội dung liên quan, Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) nhận định, vùng dân tộc miền núi phải chịu nhiều khó khăn, trong đó có tổn thất do thiên tai từ việc chặt phá rừng, do biến đổi khí hậu, tỷ lê hộ nghèo còn cao, hàng trăm nghìn hộ còn thiếu đất sản xuất…

Đại biểu này phân tích, tình trạng bội thực chính sách nhưng thiếu nguồn vốn điển hình như Chương trình mục tiêu quốc gia 3 năm chỉ đạt 32,1% tổng yêu cầu vốn, nhiều chính sách không bố trí được nguồn vốn.

"Do quá nhiều chính sách dẫn đến chồng chéo phân tán, chính sách này làm suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác, lại có chính sách “Quan có cần nhưng dân chưa vội, Quan có vội, quan lội quan sang”. Tình trạng thiếu đất thiếu rừng ở nhiều địa phương đã thu hẹp không gian văn hóa, không gian sống của đồng bào ngay tại nơi chôn rau cắt rốn ngàn đời" - Đại biểu Vượt nhấn mạnh.

Đại biểu Đinh Duy Vượt phát biểu thảo luận

Do vậy, vị Đại biểu này đề xuất, cần phân định rõ lĩnh vực nào phải đầu tư hoàn thiện. Về chính sách cử tuyển, đã cử đương nhiên phải tuyển. Việc tuyển dụng công chức phải quy định rõ tỷ lệ cho người dân tộc, phải khắc phục tình trạng chỉ nặng về cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Về chính sách hỗ trợ 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, theo Đại biểu Vượt, đây là vấn đề bức thiết quan trọng nhất. Đại biểu đề nghị xem xét đầu tư giao đất không thu tiền, đồng thời quy định không được sang nhượng khi sửa đổi Luật đất đai, không quy hoạch các dự án thu hồi đất của đồng bào khi chưc bố trí được đất tái định cư, kiên quyết thu hồi đất của các lâm trường, doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, các dự án chuyển đổi mục đích sai.

Nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng thành nhà kho

Phát biểu thảo luận về mục tiêu đến năm 2025 có 80% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) đề nghị có thêm về chỉ tiêu vận hành, hoạt động của nhà sinh hoạt cộng đồng để tránh tình trạng nhà này trở thành nhà kho vì thiếu bóng  người, gây lãng phí nguồn đầu tư.

Trước tình hình rừng đang bị xâm hại, đại biểu đề nghị cần kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện trồng rừng thay thế đối với các dự án đã lấy đất rừng, sớm có giải pháp nếu có sai phạm.

Về chỉ tiêu trên 80% phụ nữ được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế, theo Đại biểu Hương, chỉ khi nào chất lượng và hiệu quả của việc khám chữa bệnh làm hài lòng được người dân thì chắc chắn sẽ thu hút được người dân chủ động tự nguyện đến với cơ sở khám chữa bệnh.

"Cần bổ sung tỷ lệ người dân tộc thiểu số làm việc trong cơ quan nhà nước các cấp nhằm khắc phục tình trạng đang có xu hướng giảm trong các bộ, ngành, địa phương. Cần có quy định về đầu tư phát triển làng nghề tại vùng dân tộc thiểu số" - Đại biểu Hương đề xuất.