Đại biểu Quốc hội: Cần xử lý thích đáng nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội dâm ô trẻ em

ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, chiều 17-11, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã bắt khẩn cấp Nguyễn Tiến Dũng - nhân viên Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM  để điều tra về hành vi dâm ô. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã yêu cầu xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Thời gian qua, một số bé gái ở Trung tâm hỗ trợ xã hội (TP.HCM) tố cáo đã bị ông Nguyễn Tiến Dũng - nhân viên Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM xâm hại tình dục như yêu cầu các em cởi áo quần, sờ vào bộ phận sinh dục của ông... 

Liên quan đến sự việc trên, bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp cho rằng, sự tồn tại của các Trung tâm hỗ trợ, bảo trợ xã hội vô cùng cần thiêt, quan trọng đối với trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật,  người cai nghiện…Người quản lý các trung tâm này phải có cái tâm, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm cao.

 “Không thể chấp nhận và dung tha đối với những cán bộ quản lý, nhân viên trung tâm có những lời lẽ, thái độ, hành động xúc phạm đến trại viên, thậm chí thực hiện hành vi dâm ô như vụ việc mới xảy ra tại TP Hồ Chí Minh hay vụ ăn chặn tuồn hàng từ thiện tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ở Hà Nội”- Đại biểu Hòa bức xúc.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bên hành lang Quốc hội

Cũng theo Đại biểu Hòa, việc một số nhân viên trong các trung tâm hỗ trợ, bảo trợ xã hội lợi dụng vị trí, nhiệm vụ của mình để thể hiện hành vi phi đạo đức là không thể chấp nhận được. Những đối tượng này cần bị xử lý thích đáng.

Đối với các vụ việc trên, cơ quan chức năng cần phải làm rõ hành vi sai phạm để xử lý nghiêm nhằm phòng ngừa, răn đe những đối tượng khác. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng những cán bộ làm việc ở những trung tâm hỗ trợ, bảo trợ phải được tiến hành thận trọng nhằm chọn lựa những người có tâm, có tinh thần trách nhiệm cao và tấm lòng hướng thiện.

Bởi theo Đại biểu Hòa, chỉ những người có tấm lòng hướng thiện mới có thể dễ dàng cảm thông chia sẻ đối với những đối tượng yếu thế mà xã hội giao trách nhiệm cho họ chăm sóc, quản lý, uốn nắn, đùm bọc, để họ trở thành người tốt, có cuộc sống bình yên, được sống tốt hơn so với hiện tại. 

Trả lời câu hỏi: “Sau một loạt những sự việc trên có phải do các Trung tâm hỗ trợ, bảo trợ có tuyển chọn nhân viên dễ dãi”, Đại biểu Hòa cho biết, khi tuyển chọn ai cũng muốn chọn người tốt, có tài, có đức, có tấm lòng nhân hậu nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, thực thi nhiệm vụ một số cá nhân phát sinh sai phạm như “con sâu làm rầu nồi canh”.

Song cần khẳng định rằng, những vụ việc xảy ra gần đây chỉ là trường hợp cá biệt. Để tránh tái diễn, tại các Trung tâm bảo trợ phải có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ lãnh đạo quản lý đối với đối tượng được phân công làm nhiệm vụ nhằm hạn chế thấp nhất sai phạm.

“Đối với những vụ việc đã xảy ra, người đứng đầu phải có trách nhiệm liên đới đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm trong tuyển dụng quản lý nhân viên. Tuy vậy căn cứ vào tính chất, mức độ của từng vụ việc để có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu có căn cứ cho rằng việc tuyển dụng không khách quan, đúng quy định thì người tuyển dụng phải bị xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm cũng phải bị áp dụng chế tài xử lý thích đáng, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất về tội danh tương ứng” - Đại biểu Hòa nói.