Đại biểu Ksor tâm tư "bức tranh" xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên

ANTD.VN - "Tây Nguyên chưa thể tự chuyển mình phát triển mạnh, không phải vì ta thiếu cơ chế chính sách mà vì tư duy của ta khi kêu gọi đầu tư vào vùng Tây Nguyên cứ khoác lên cho nó “cái áo” an ninh chính trị phức tạp, khiến một phần Tây Nguyên bị kìm hãm, không bứt lên được", đại biểu Ksor H’bơ Khăp nói.

Sáng 31-10, tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu (ĐB) Ksor H’bơ Khăp (Gia Lai) cho rằng báo cáo thực hiện kết quả kinh tế xã hội năm chưa thể hiện bức tranh xóa đói giảm nghèo.

"Nói đến Tây Nguyên chúng ta nghĩ tới một đại ngàn, thảo nguyên mênh mông, sương mù huyền ảo giàu tài nguyên khoáng sản, một nền văn hóa các dân tộc phong phú và đa dạng. Nhưng thưa Quốc hội, tôi đau lòng khi đứng đây khi bản thân mình phải phân vân: Tây Nguyên còn lại những gì?", ĐB Ksor tâm tư.

ĐB Ksor H’bơ Khăp trăn trở với việc phát triển kinh tế, xã hội khu vực Tây Nguyên

Theo bà Ksor, Tây Nguyên hiện nay về cơ cấu dân tộc có thể xem là Việt Nam thu nhỏ, vì tập trung 51 dân tộc sinh sống. Điều này cho thấy tình trạng di cư ở Tây Nguyên chưa được kìm chế, kiểm soát có hiệu quả, sự chênh lệch giữa các dân tộc khác đến sinh sống với dân tộc bản địa ngày càng tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, dân trí còn thấp, đời sống văn hóa ngày càng mai một, trầm lắng trái ngược với sắc màu rực rỡ của văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

"Chỉ đạo của Đảng và Nhà nước rất quyết liệt trong việc nâng cao đời sống đồng bào thiểu số, nhưng tất cả chỉ mới giải quyết được phần ngọn mà gốc thì sắp mòn mục, nhiều năm qua chúng ta vẫn loay hoay chuyện “cho cần câu cá” hay “cho cá”. Vì vậy, cơ chế chính sách mới phải có sự ràng buộc những điều kiện làm sao phát huy được nội lực địa bàn hưởng thụ", bà Ksor kiến nghị.

ĐB Ksor cho rằng: "Trong gần một thập kỷ qua, Tây Nguyên chưa thể tự chuyển mình phát triển mạnh, không phải vì ta thiếu cơ chế chính sách mà vì tư duy của ta khi kêu gọi đầu tư vào vùng Tây Nguyên cứ khoác lên cho nó “cái áo” an ninh chính trị phức tạp, khiến một phần Tây Nguyên bị kìm hãm, không bứt lên được".

Từ phân tích trên, ĐB Ksor đề nghị trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 cần có sự quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai chính sách giảm nghèo mà ngân sách phải đi đầu, vì có thực mới vực được đạo.

"Đặc biệt đối với vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, ngân sách xin đừng bỏ quên họ", bà Ksor nhấn mạnh.

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn

Cùng quan tâm tới các đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa, ĐB Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La) đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển giao thông miền núi, nhất là những tuyến đường bị ảnh hưởng của mưa lũ; xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu; sắp xếp lại dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai; xử lý nghiêm các vi phạm chủ trương đóng cửa rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép...

ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu) góp ý về việc bố trí vốn triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn cho các thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện; góp ý đổi mới quy trình thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh nhỏ trên địa bàn các tỉnh miền núi; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...