Đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, phấn đấu cải tạo tốt hơn

ANTD.VN -  Trình bày Tờ trình dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) vào chiều nay 21-5, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn...

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)

Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, đồng thời khuyến khích họ ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trở thành người có ích cho xã hội.

Cụ thể hóa tư cách pháp lý của Tổ thẩm định liên ngành

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân..

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 được đặt ra rất cần thiết với những lý do như: Cụ thể hóa thẩm quyền của Chủ tịch nước về đặc xá quy định trong Hiến pháp năm 2013; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục những khó khăn, bất cập trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007…

Theo nội dung Tờ trình Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi lần này gồm 6 chương, 39 điều. So với Luật Đặc xá năm 2007 thì dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) giữ nguyên số chương, tăng 03 điều quy định về trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.

Cụ thể, về  một số nội dung sửa đổi trong đó có quy định về “Tổ thẩm định liên ngành, trách nhiệm của một số bộ và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện”.

Qua tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007, để cụ thể hóa tư cách pháp lý của Tổ thẩm định liên ngành (giúp việc Hội đồng tư vấn đặc xá) dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ thẩm định liên ngành tại khoản 5 Điều 3, Điều 15, Điều 16, Điều 26 dự thảo Luật.

Để phù hợp với quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong công tác đặc xá tại khoản 2 Điều 9 (niêm yết Quyết định về đặc xá tại nhà tạm giữ thuộc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện); khoản 2 Điều 10; khoản 6 Điều 14, Điều 15, Điều 18.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong công tác đặc xá để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ trong việc thực hiện đặc xá; cụ thể: Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan thực hiện tuyên truyền đối ngoại về công tác đặc xá; phối hợp thực hiện Quyết định đặc xá đối với người được đặc xá là người nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến công tác đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm tham gia Hội đồng tư vấn đặc xá; chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ, tiền, tài sản có liên quan đến phạm nhân là người phải thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, các nghĩa vụ dân sự khác hoặc được thi hành án dân sự; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện KSND tối cao và các cơ quan, tổ chức khác thực hiện các hoạt động khác liên quan đến công tác đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Cần phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá

Theo UBTP của Quốc hội, Chính phủ đã tích cực triển khai xây dựng dự án Luật, đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá, đánh giá tác động, lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu về thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)

Đánh giá cao về những nội dụng lớn của Dự án luật Đặc xá sửa đổi, UBTP cho rằng dự thảo có phạm vi sửa đổi rộng (sửa đổi 18/36 điều và bổ sung 03 điều mới), nhiều nội dung sửa đổi là những chính sách lớn, cơ bản của Luật Đặc xá. Do đó, việc đổi tên gọi thành Luật Đặc xá (sửa đổi) là phù hợp.

Về quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng dự án Luật, UBTP cơ bản tán thành 5 quan điểm, định hướng xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh: “Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù, do đó các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện”.

Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là: thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá. Đáng lưu ý, Bộ luật Hình sự đã bổ sung chế định Tha tù trước thời hạn có điều kiện, nếu không sửa đổi cơ bản về điều kiện đặc xá mà áp dụng song song hai chế định này thì dẫn tới trùng lặp về chính sách.

Vì vậy, một mặt cần phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác để khắc phục hạn chế về số lượng người được đặc xá lớn, đối tượng rộng như thời gian qua, bảo đảm ý nghĩa đặc ân của người đứng đầu Nhà nước.

Mặt khác, việc sửa đổi Luật Đặc xá cũng phải bảo đảm cân đối giữa việc thực hiện chính sách khoan hồng đặc biệt với tính nghiêm minh trong thực thi bản án của Tòa án, không làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của toàn bộ quá trình tố tụng trước đó. 

UBTP cũng tán thành quan điểm việc sửa đổi phải khắc phục được những hạn chế, bất cập sau hơn 10 năm thi hành Luật Đặc xá trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành.

Ngoài ra, để đáp ứng điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, UBTP đề nghị quá trình sửa đổi Luật Đặc xá cần quán triệt quan điểm tham khảo kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới.