Đã hoàn thành thanh tra đất đai Thủ Thiêm, sẽ công bố kết luận đầu tháng 9-2018

ANTD.VN - Cuộc thanh tra đất đai Thủ Thiêm (TP.HCM) đã kết thúc hồi tháng 7 và dự kiến kết luận thanh tra sẽ được công bố trong nửa đầu tháng 9 tới đây.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam trả lời báo chí

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018 diễn ra chiều tối qua, 30/8, báo chí nêu câu hỏi: “Liên quan đến thanh tra đất đai Thủ Thiêm, thời hạn báo cáo là trước 25/7, xin hỏi Thanh tra Chính phủ về kết quả giải quyết vụ việc này?”.

Trả lời, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết: “Cuộc thanh tra liên quan đến việc đất đai ở Thủ Thiêm đã kết thúc vào 11/7. Chúng tôi đã lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành chức năng có liên quan và UBND TP.HCM. Đến nay, kết luận của thanh tra đã có báo cáo. Chúng tôi đang hoàn tất để trong nửa đầu tháng 9 sẽ công khai tới báo chí”.

Quan tâm tới dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo (Hà Nội) trong đó có ga ngầm C9 đặt gần Hồ Gươm, báo chí nêu vấn đề: “Việc xây dựng ga ngầm C9 gần Hồ Gươm liệu có làm mất cảnh quan đô thị và ảnh hưởng đến di tích lịch sử Hồ Gươm. Xin được hỏi về đánh giá tác động của việc xây dựng này ra sao?”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông trả lời: “Về tuyến đường sắt đô thị số 2, ga Thăng Long, tuyến Trần Hưng Đạo, đây là dự án trọng điểm quốc gia, do Hà Nội là cơ quan chủ quản đầu tư. Với vị trí ga C9 trên tuyến, theo lập dự án của Hà Nội, chúng tôi cũng như các cơ quan bộ, ngành khác được tham vấn lấy ý kiến chuyên ngành.

Theo chúng tôi, đây là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội, các ga đều được lựa chọn đánh giá về chuyên môn. Lựa chọn ga có những tiêu chí riêng, về thu hút hành khách, về thuận lợi trong vận tải… Dự án cũng đã có những tính toán, tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, chính quyền, chuyên gia và các nhà khoa học, đã công khai lấy ý kiến của người dân.

Tuy nhiên, có phần ga C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm. Theo chức năng, Bộ VH-TT&DL phải có ý kiến về việc quản lý các di tích. Việc giải quyết phần này, theo tôi, trên cơ sở đánh giá tác động, kể cả tác động của môi trường, tác động tới quản lý di tích, bảo vệ di tích, Hà Nội cần có trách nhiệm tiếp tục đánh giá và có báo cáo đảm bảo ga đúng công năng vận tải nhưng cũng phải đảm bảo bảo tồn và trong quy định pháp luật cho phép”.

Liên quan tới  dinh Vua Mèo ở Hà Giang, báo chí đặt câu hỏi: “Hà Giang có thu hồi lại sổ đỏ đã cấp cho Phòng VHTT&DL của huyện Đồng Văn không? Quan điểm của Chính phủ thế nào và quyền sở hữu nhà đất sẽ giao cho ai quản lý?”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Liên quan đến vụ ông Vương Duy Bảo, cháu nội của Vua Mèo Vương Chí Sình có thư gửi Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo, ngày 16/8/2018, Thủ tướng đã chính thức yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang rà soát về kiến nghị này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

“Tinh thần là việc lập các hồ sơ di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt trên cơ sở đánh giá giá trị văn hoá lịch sử của kiến trúc nghệ thuật nhằm xây dựng phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di tích đó. Việc quyết định xếp hạng di tích không nhằm mục đích xác lập hay chuyển quyền sở hữu tài sản trên đất và quyền sử dụng đất của di tích.

Chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Giang đến ngày 31/8 báo cáo Thủ tướng việc này, hiện Văn phòng Chính phủ vẫn chưa nhận được báo cáo nhưng tinh thần là UBND tỉnh Hà Giang rất nghiêm túc rà soát việc này theo hướng chỉ đạo Sở TN-MT Hà Giang thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giao cho Phòng VHTT&DL của huyện Đồng Văn.

Văn phòng Chính phủ  đang theo dõi việc xử lý này. Đây là di tích lịch sử rất đặc biệt và độc đáo nên hướng xử lý như vậy, không đặt vấn đề cơ quan Nhà nước trưng thu tài sản của di tích đó.

Thực tiễn đang xem xét những khía cạnh liên quan đến đầu tư, Nhà nước cấp kinh phí tu bổ… Văn phòng Chính phủ  chưa nhận được báo cáo cụ thể, khi có sẽ công bố với báo chí” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin.