Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình:

Đã giải quyết 24/35 vụ trọng án nghi có dấu hiệu oan sai

ANTĐ -Vấn đề án oan, sai được người dân đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây khi hàng loạt vụ xét xử có dấu hiệu oan sai được công khai dư luận, trong đó có những vụ án nổi cộm như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long (Bắc Giang), Hồ Duy Hải (Long An), Lê Bá Mai (Bình Phước), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng)... 

Sáng 13-3, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ đề này. 

Mới chỉ duy nhất vụ Nguyễn Thanh Chấn được khẳng định là án oan

Đã giải quyết 24/35 vụ trọng án nghi có dấu hiệu oan sai ảnh 1Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trả lời chất vấn về án oan, sai sáng 13-3


Là người đầu tiên đứng lên chất vấn, ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn ĐBQH TP Hồ CHí Minh) đi thẳng vào 5 vụ án nổi cộm, nghi có dấu hiệu oan sai, đang được dư luận hết sức quan tâm: “Vụ Hồ Duy Hải tại Long An, bị xét xử về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” có oan không? Chính bị án có đơn xin được thi hành án sớm tại sao đến nay vẫn hoãn thi hành? Hình phạt tử hình về tội giết người với Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng có thỏa đáng không?

Tại sao với những tình tiết như nhau, cùng bị kết án về tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người” sao với Lê Bá Mai ở Bình Phước thì áp dụng án tù chung thân còn với Hàn Đức Long ở Bắc Giang là tử hình? Vì sao ông Nguyễn Thanh Chấn kêu oan không phạm tội giết người đã nhiều năm mà chỉ khi có người ra đầu thú thì vụ án mới được kháng nghị? Bản án tử hình với  Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, từ năm 2000 đã có đơn tố cáo chỉ ra 2 người khác mới là thủ phạm giết người nhưng sao đến gần đây mới có kháng nghị giám đốc thẩm?"

Lần lượt trả lời các câu hỏi này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, với 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng nói trên, hiện các cơ quan tố tụng đang phối hợp giải quyết, xem xét rất thận trọng. “Đây đều là những vụ án cũ nên việc xem xét lại phải hết sức thận trọng, xem phần nào đã xét xử đúng, cái gì chưa đúng, đảm bảo nếu oan thì phải kết luận oan, giải oan, nếu có tội thì kết quả phải xác định rõ những căn cứ buộc tội để không bỏ lọt tội phạm. Đến nay mới chỉ có thể khẳng định duy nhất vụ Nguyễn Thanh Chấn là án oan” – ông Trương Hòa Bình nói.

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, việc đền bù bồi thường 10 năm đi tù oan cho ông Chấn, các cơ quan tố tụng đã tiến hành giải quyết quyết liệt. Đến nay cơ bản đã đến khâu đoạn cuối cùng, chỉ còn chờ gia đình ông Chấn giao nộp các tài liệu chứng minh. TAND tối cao cũng nhiều lần có văn bản mời ông Chấn lên để xem xét giải quyết bồi thường theo Luật, cung cấp tài liệu để chứng minh thiệt hại…

Một số vụ án nghi oan sai sẽ được xem xét lại

Đã giải quyết 24/35 vụ trọng án nghi có dấu hiệu oan sai ảnh 2ĐBQH Đỗ Văn Đương chất vấn về 5 vụ án nổi cộm nghi có dấu hiệu oan sai
đang được 
dư luận quan tâm


Đi sâu vào từng vụ án cụ thể, Chánh án TANTTC cho biết, vụ án Hồ Duy Hải ở Long An là vụ gây bức xúc rất lớn trong dư luận. Cơ quan điều tra đã tiến hành truy xét, do không bắt quả tang nên việc thu thập bằng chứng rất khó khăn. Quá trình điều tra đã xác định được bị can Hồ Duy Hải, anh này đã nhận tội giết người, quá trình hỏi cung bị cáo lúc mới bị bắt có luật sư tham gia giám sát.

Viện Kiểm sát đã khởi tố, đưa ra tòa xét xử, tại tòa bị cáo cũng tự nhận tội, tự nhận không có bức cung nhục hình nên án sơ thẩm kết luận bị cáo có tội. Sang tòa phúc thẩm, bị cáo có một phần cho rằng mình không có tội nhưng không có chứng cứ làm rõ. Qua xét xử, kết luận quá trình tố tụng có một số sai phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án nên quyết định y án tử hình.

“Còn câu hỏi vụ án có oan không? hiện TANDTC chưa phát hiện có căn cứ để kháng nghị. TANDTC cũng đã lập tổ liên ngành để phúc tra lại quá trình hỏi cung của bị cáo Hải, bị cáo vẫn nhận tội. Trong đơn của bị cáo chỉ là xin được giảm án tử hình hoặc thi hành án ngay nên chưa có căn cứ để xác định đây là án oan. Dù vậy, TAND TC sẽ hết sức cẩn thận xem xét, nếu đủ căn cứ thực hiện kháng nghị mới kháng nghị” – Chánh án Trương Hòa Bình lý giải.

Tương tự, với câu hỏi tại sao Hồ Duy Hải đã có đơn xin thi hành án sớm nhưng đến nay vẫn hoãn chưa thi hành, người đứng đầu ngành Tòa án cho biết, đây là vấn đề pháp lý, việc thi hành án cũng phải tôn trọng nguyện vọng của gia đình bị cáo và dư luận. Mẹ của bị cáo đã đến Tòa án Nhân dân Long An xin tạm chưa thi hành án với bị cáo và có đơn gửi Chủ tịch nước. Chủ tịch nước yêu cầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét kỹ vụ án này một lần nữa xem có oan không. Do vậy, tổ liên ngành sẽ họp đánh giá, xem xét vụ án này hết sức thận trọng, khách quan, chính xác trong thời gian tới.

Ở vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), hình phạt tử hình có thỏa đáng không? Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, ở vụ án này, đã có kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát đề nghị giảm tử hình xuống chung thân nhưng Hội đồng xét xử đã bác. Lý do vì Chưởng là người cầm đầu, chỉ huy băng nhóm gây ra vụ án này mà gây hậu quả đến đâu thì người chủ mưu cầm đầu phải chịu trách nhiệm đến đó. Ông Trương Hòa Bình khẳng định đây không phải vụ án oan.

Tiếp tục trả lời câu hỏi: Vì sao tình tiết như nhau nhưng Lê Bá Mai bị kết an chung thân, Hà Đức Long bị kết án tử hình? Chánh án TANTDTC Trương Hòa Bình cho biết, hiện vụ án Hà Đức Long đã có đơn kháng án. Với trẻ em dưới 13 tuổi thì khung hình phạt rất rộng. Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào tình tiết của vụ án, tính chất nghiêm trọng để có quyết định. Trong phạm vi khung hình phạt đó, Hôị đồng xét xử có thẩm quyền quyết định ra mức phạt, Chánh án TAND tôn trọng quyết định của Hội đồng. Khi xem xét, có căn cứ thì Chánh án TAND, Viện trưởng Viện Kiểm sát đã có kháng nghị xem xét lại vụ án này và Hội đồng xét xử, Giám đốc thẩm đã chấp nhận để xem xét lại.

Đã giải quyết 24/35 vụ án nghi có oan sai

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cũng tham gia giải trình thêm
 tại phiên chất vấn

Tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn khác của một số ĐBQH về số vụ án oan sai đã được phát hiện, tỷ lệ án oan sai; về xử lý trách nhiệm người thi hành công vụ, thẩm phán ra phán quyết sai dẫn đến án oan; về đùn đẩy trách nhiệm bồi thường cho những người bị kết án oan sai; về các giải pháp để hạn chế án oan và chống bỏ lọt tội phạm… Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, sau phiên chất vấn về án oan tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (tháng 11-2013), TANDTC đã tham gia tổ công tác liên ngành xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan trung ương.

Cụ thể, các cơ quan đã thụ lý xem xét 35 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình (chiếm 1,6% số bị cáo có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình trong 03 năm 2012, 2013 và 2014). Trong số 35 trường hợp đó, cơ quan tố tụng đã xem xét, giải quyết 24 trường hợp. Thông qua kết quả giải quyết cho thấy về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật (có 21 trường hợp đã trả lời không có căn cứ kháng nghị).

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 3 trường hợp để làm rõ thêm các căn cứ xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Đối với 11 trường hợp còn lại, TANDTC đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, để chống án oan, chống bỏ lọt tội phạm cần thực hiện 3 giải pháp quan trọng sau: thứ nhất là phải thực hiện tốt việc tranh tụng. Trong đó tới đây sửa luật tố tụng phải phát huy tốt vai trò của luật sư, của chương tranh tụng, thực hiện tốt nội dung người bị án không phải chứng minh mình vô tội mà đó là trách nhiệm của người tranh tụng. Thứ hai phải nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực chuyên môn của đội ngũ điều tra, thẩm phán, hội thẩm. Thứ 3 là phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý kỷ luật công vụ.