Đã có "Hoa hậu bò sữa", sao chưa tổ chức thi gạo ngon nhất Việt Nam?

ANTD.VN - "Việt Nam có hơn 200 loại gạo và địa phương nào cũng tự hào mình có gạo ngon, gạo đặc sản. Nhưng gạo nào ngon nhất, hiện nay chưa có câu trả lời, bởi trong thực tế chúng ta đã tổ chức thi gạo ngon bao giờ đâu", đại biểu Trương Anh Tuấn đặt vấn đề tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, chiều 26-10.

Ông Trương Anh Tuấn (ĐBQH đoàn Nam Định) cho rằng, cần quan tâm liên kết giữa nhà nông với các nhà khoa học, doanh nghiệp và nêu cao chất lượng quản lý đối với nông nghiệp hiện nay.

Theo ông Tuấn, lâu nay người nông dân luôn luôn phải tự trả lời câu hỏi "trồng cây gì, nuôi con gì để đảm bảo cuộc sống", trong khi lẽ ra đó thuộc về trách nhiệm nhà khoa học, nhà quản lý với kiến thức, chức năng nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Trương Anh Tuấn kiến nghị tổ chức cuộc thi gạo ngon nhất Việt Nam

Ông Tuấn cũng lưu ý một thực tế, đó là có nơi nông dân trồng cây theo hướng dẫn của nhà quản lý, hợp đồng với doanh nghiệp nhưng khi thu hoạch sản phẩm ế thừa, không nơi tiêu thụ.

"Doanh nghiệp phá hợp đồng, nông dân thiệt hại lớn nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp chưa được sâu sát kịp thời và rất ít khi bị xử lý", ông Tuấn nói.

Vấn đề xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam được đại biểu Trần Anh Tuấn tâm đắc, đặt ra trước nghị trường Quốc hội. Theo ông Tuấn, hồ tiêu, điều, ca cao của chúng ta xuất khẩu đứng đầu thế giới; cà phê đứng hàng thứ hai; xuất khẩu gạo đứng thứ ba... nhưng nếu hỏi ngược lại rằng loại giống nào, cây trồng nào ở đâu cho chất lượng cao nhất thì lại khó trả lời. Bởi, thương hiệu chúng ta chưa rõ, sản phẩm tốt – xấu lẫn lộn, khiến nông sản mất giá, mất uy tín.

Việt Nam có hơn 200 loại gạo nhưng gạo nào ngon nhất, tới nay chưa có câu trả lời

Vì vậy để khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam, đại biểu Tuấn đề nghị cần tổ chức những cuộc thi công khai, minh bạch để tôn vinh chất lượng sản phẩm nông nghiệp, định hướng cho nông dân, nhà sản xuất.

"Theo thống kê, Việt Nam có hơn 200 loại gạo và địa phương nào cũng tự hào mình có gạo ngon, gạo đặc sản. Nhưng gạo nào ngon nhất, hiện nay chưa có câu trả lời, bởi trong thực tế chúng ta đã tổ chức thi gạo ngon bao giờ đâu", ông Tuấn phân tích và cho rằng: "Đã có thi Hoa hậu bò sữa nhưng lúa gạo gắn với chúng ta hàng nghìn năm qua thì lại chưa có cuộc thi chính thức, công khai nào để vinh danh gạo ngon Việt Nam".

Để dẫn chứng thêm lập luận trên, đại biểu Trương Anh Tuấn cho biết, năm 2017, tại Trung Quốc, gạo của Việt Nam đã vượt qua hàng trăm loại gạo ngon của thế giới để cùng gạo của Campuchia, Thái Lan lọt tốp 3 loại gạo ngon nhất.

"Điều này không chỉ mang lại niềm tự hào mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam. Minh chứng là tháng 6-2018, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt đỉnh cao mới về giá trị, trên cả gạo của Thái Lan, Ấn Độ", ông Tuấn chỉ ra.

Đặt vấn đề: "Phải chăng tác động của thương hiệu, sự vinh danh tại các cuộc thi đã tạo ra giá trị mới của gạo Việt Nam?!", đại biểu của Nam Định bày tỏ mong muốn, tới đây, ngành nông nghiệp sẽ sớm có vinh danh tốp sản phẩm dẫn đầu các nông sản Việt Nam để tạo giá trị mới cho loại sản phẩm rất tiềm năng này.

Phát biểu giải trình một số vấn đề liên quan tới ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết hết tháng 9-2018, nông nghiệp tăng 6,53%, mức cao trong nhiều năm gần đây.

Tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 200 tỷ USD trong 5 năm; có 30 nhóm sản phẩm "trục" quốc gia xuất khẩu từ 1 tỷ USD. Các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng... từng bước đều áp dụng công nghệ cao phù hợp với quy mô, quản trị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ví dụ, 5 năm trước, giá gạo Việt Nam ở rất thấp, thì hiện đã cao hơn Thái Lan, Ấn Độ... đảm bảo cơ cấu, giá trị. Như năm 2018, xuất khẩu gạo cao nhất về lượng, giá trị.