Đã có 159 bệnh nhân mắc tả

(ANTĐ) - 7h sáng hôm qua (9-11), tỉnh Hà Nam báo cáo lên Bộ Y tế có 11 bệnh nhân tiêu chảy cấp, trong đó có một ca dương tính với phảy khuẩn tả. Như vậy, trên bản đồ dịch tả hiện nay đã có 13 tỉnh là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định và Hà Nam. Tổng số bệnh nhân mắc tiêu chảy là 1.378 ca, trong đó đã xác định 159 trường hợp dương tính với tả.

Đã có 159 bệnh nhân mắc tả

(ANTĐ) - 7h sáng hôm qua (9-11), tỉnh Hà Nam báo cáo lên Bộ Y tế có 11 bệnh nhân tiêu chảy cấp, trong đó có một ca dương tính với phảy khuẩn tả. Như vậy, trên bản đồ dịch tả hiện nay đã có 13 tỉnh là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định và Hà Nam. Tổng số bệnh nhân mắc tiêu chảy là 1.378 ca, trong đó đã xác định 159 trường hợp dương tính với tả.

Nhìn chung, tốc độ gia tăng dịch tiêu chảy cấp đã giảm, trong 162 ca tiêu chảy cấp nhập viện ngày hôm qua chỉ có 2 ca dương tính với tả. Một số tỉnh bệnh nhân tiêu chảy cấp vẫn tăng mạnh như Hà Tây (tăng 53 ca), Hưng Yên (tăng 18 ca).

Ngay tại Hà Nội, địa phương có tốc độ gia tăng dịch tiêu chảy cấp giảm đáng kể nhất vẫn liên tục có những xã, phường mới xuất hiện dịch tiêu chảy cấp, đặc biệt 3 quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, số bệnh nhân tiêu chảy cấp vẫn rất lớn.

Trước tình hình đó, ngay trong ngày hôm qua, Sở Y tế Hà Nội đã cho mua khẩn cấp 90.000 đôi găng tay (loại sử dụng một lần) để phát miễn phí cho các hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Riêng với trường hợp của một đầu bếp ở một nhà hàng lớn tại Hà Nội bị dương tính với tả (đã thông báo ngày 9-11), Sở Y tế Hà Nội đã xác định rằng đó chỉ là một nhân viên khâu sơ chế thực phẩm sống chứ không liên quan gì đến khâu chế biến thức ăn chín của nhà hàng này (không công bố tên nhà hàng).

Tuy vậy, ông Phạm Lê Tuấn, Phó Giám đốc Sở Ytế Hà Nội  cho biết, ngày 9-11 Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra vệ sinh thực phẩm tại một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn, cấp Cloramin B và hướng dẫn cách phòng chống dịch tả cho các nhà hàng trong thành phố.

Trong cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch tiêu chảy cấp chiều qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu một lần nữa nhấn mạnh, nguyên nhân chính gây bùng phát dịch tả vẫn là do vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ trưởng cũng cho biết, trong một vài ngày tới Bộ Y tế sẽ phát động chiến dịch vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn quốc, coi đây là công tác trọng tâm trong việc phòng, chống dịch tả. 

 Duy Tiến

Chưa bao giờ dịch tả ở Việt Nam diễn biến phức tạp như năm nay

(ANTĐ) - Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) đã khẳng định như vậy trong buổi tiếp xúc với báo chí chiều qua (9-11). Theo ông Hiển, đây không phải là lần đầu Việt Nam xuất hiện dịch tiêu chảy cấp, mới đây nhất là năm 2004 với hơn 120 người ở quận Hoàng Mai mắc tiêu chảy cấp, trong đó có 24 người dương tính với tả.

Điểm phức tạp của năm nay là 33 ổ phát dịch được xác định trong tuần đầu tiên (từ 23 đến 30-10) đều biệt lập với nhau nên rất khó đánh giá, hiện Viện VSDTTƯ vẫn đang xác định xem phảy khuẩn tả giữa các địa phương đã xuất hiện dịch có giống nhau không để tìm biện pháp khống chế.

Thủ phạm chính gây dịch tả năm nay theo xác định ban đầu là mắm tôm, nhưng qua xét nghiệm vẫn chưa tìm thấy được phảy khuẩn tả trong loại mắm này, do đó việc tìm nguyên nhân hiện vẫn rất khó. Hơn nữa, cũng đã xuất hiện bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp thứ phát, mà theo ông Hiển thì một bệnh nhân tả có thể lây lan sang khoảng 20 người khác, do đó việc kiểm soát là cực kỳ phức tạp.

Riêng Hà Nội, ông Hiển dự báo trong khoảng 5-7 ngày tới có thể sẽ khống chế được dịch bệnh này. Điều quan trọng nhất là phải tiếp tục đẩy mạnh tất cả các công tác phòng, chống, tuyên truyền về dịch bệnh này.

Tiến Hưng