"Cứu" quỹ BHXH trước nguy cơ mất cân đối, có nên tăng tuổi nghỉ hưu?

ANTD.VN - Hiện diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam còn thấp, tỷ lệ đóng và tỷ lệ hưởng đang có độ “vênh” dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH. Trước nguy cơ này Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa đưa ra một số khuyến cáo.

"Cứu" quỹ BHXH trước nguy cơ mất cân đối, có nên tăng tuổi nghỉ hưu? ảnh 1

Các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp nhằm "cứu" quỹ BHXH trước nguy cơ mất cân đối

Thông tin tại Hội thảo “Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức (ngày 29-3), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến hết năm 2016, cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Hàng năm, có khoảng 4-5 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 150.000 người hưởng các chế độ BHXH dài hạn. Đến nay, đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, chính sách BHXH cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như diện bao phủ BHXH của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới.

Trong khi đó, hiện quỹ BHXH tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế thì nếu không có những điều chỉnh về chính sách thì quỹ hưu trí và tử tuất ở Việt Nam có thể mất cân đối ở năm 2034.

Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện đang được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp cho hệ thống BHXH ở Việt Nam. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội ở mức thấp là một trong những vấn đề chính của hệ thống an sinh xã hội mà Việt Nam đang cố gắng giải quyết. Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho rằng: “Việt Nam cần thêm nhiều chính sách thực hiện và thu hút hiệu quả hơn, bao gồm tăng cường thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, nhằm mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội”.

Cũng theo Giám đốc ILO Việt Nam: “Khi xã hội và kinh tế phát triển, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và mức đóng góp là một phần của bất kỳ hệ thống an sinh xã hội nào”.

Khuyến cáo từ đại diện Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho rằng, có 4 phương án để mở rộng diện bao phủ BHXH: Phương án 1 là tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 đối với nam và nữ theo lộ trình cứ một năm tăng lên 1 tuổi và bắt đầu thực hiện từ 2018.

Phương án 2, tăng tuổi nghỉ hưu và giảm tỷ lệ thay thế (tính bằng tỷ số giữa người thụ hưởng và người tham gia BHXH) bằng cách sử dụng tỷ lệ tích lũy ở mức 1,5% mức đóng BHXH trong vòng 40 năm.

Phương án 3 là tăng tuổi nghỉ hưu, giảm tỷ lệ thay thế bằng cách áp dụng tỷ lệ tích lũy ở mức 1% đối với mỗi năm đóng góp, áp dụng cơ chế hưu trí toàn dân ở mức 50% lương tối thiểu khu vực Nhà nước và phương án 4 là tăng tuổi nghỉ hưu, áp dụng mô hình tài khoản cá nhân tượng trưng trong vòng 40 năm chuyển đổi từ năm 2018.