Cuộc so găng giữa kình ngư và ó biển

ANTĐ - Trận đánh ấy đã trôi qua đúng nửa thế kỷ, nhưng suốt 50 năm ấy chưa lúc nào ký ức của những ngày khói lửa phai mờ trong tâm trí của Đại tá Hải quân Lê Văn Chừng. Ngày 5-8-1964, lần đầu tiên lực lượng Không quân - Hải quân Mỹ hùng mạnh bậc nhất thế giới có trận đối đầu trực tiếp với một đối thủ được đánh giá là nhỏ bé hơn cả nghìn lần. Chỉ vẹn vẹn vài tàu tuần tiễu ven biển, ở trong thế bị động, lại vừa thành lập Quân chủng mới được nửa năm, nhưng Đại tá Lê Văn Chừng cùng với các đồng đội đã anh dũng giáng trả đám “cướp nhà trời” những đòn đích đáng.

Đại tá Hải quân Lê Văn Chừng kể lại trận đánh

“Chim ưng bị xiềng”

Tháng 3-1993 tại Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) có một vị khách đặc biệt ghé thăm. Đó là một người Mỹ khoảng 60 tuổi - đứng lặng người rất lâu trước khung kính trưng bày bộ đồ bay mà màu xanh của nó đã ngả thành cỏ úa. Trên tấm bảng chú thích tên chủ nhân của bộ đồ bay ghi rõ: Quân phục của Trung úy Everett Alvarez - Không quân Hải quân Hoa Kỳ bị bắn hạ ngày 5-8-1964 tại Quảng Ninh. Dáng vẻ bần thần của vị khách lạ đã gây sự chú ý tới cô nhân viên thuyết minh của bảo tàng. Cô nhẹ nhàng tiến tới và hỏi: “Thưa ông, tôi đoán có lẽ ông là Trung úy Everett Alvarez?”. “Yes, it’s me” (Vâng, chính tôi) – ông già trả lời. Trung úy Everett Alvarez có lẽ không bao giờ biết được máy bay của ông bị hạ ngày hôm đó không phải bởi loại hỏa tiễn hay tên lửa tối tân nào. Chiếc A4-Sky Hawk (Chim ưng nhà trời) kéo một vệt khói đen ra tới tận Bái Tử Long và đâm sầm xuống biển sau khi nó đã cố tấn công một đối thủ yếu hơn và hỏa lực chỉ là súng phòng không 25mm. Đó là chiếc tàu săn ngầm S-225 do Trung úy Hải quân Lê Văn Chừng làm thuyền trưởng.

50 năm sau, ngày 3-8-2014 câu chuyện về số phận chiếc A4-Sky Hawk một lần nữa được nhắc lại chính tại nơi mà nó đã rơi. Cuộc hội ngộ hàng năm tại Quảng Ninh của những cựu binh Hải quân Đoàn 100 - đơn vị đầu tiên gồm những hạt giống của Hải quân nhân dân Việt Nam - luôn nhắc lại chiến công này như một niềm tự hào của họ. Và trận đánh đầu tiên trên tàu S-225 ngày 5-8-1964 đã kết nối một cách hài hòa câu chuyện riêng tư của Trung úy Everett Alvarez thành một cái nhìn khái quát về sự có mặt của Hải quân Mỹ tại Việt Nam.

“Chim ưng bị xiềng” (Chained Eagle) là tên cuốn sách mà Everett Alvarez đã viết trước khi chuẩn bị hồi hưu với hàm Trung tá. Cuốn hồi ký này kể lại những ngày Alvarez tham chiến ở Việt Nam và nó trở nên nổi tiếng bởi Alvarez là tổn thất đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ, đồng thời ông cũng là vị khách lâu năm nhất của quân đội Mỹ từng “lưu trú” tại “Khách sạn Hilton” (nhà tù Hỏa Lò). Khi cuốn sách xuất bản, ông Chừng không biết, còn Alvarez cũng không hề biết ai là người đã hạ gục mình. Mãi sau này, khi đã nghỉ hưu ông Chừng mới nghe đâu đó việc đối thủ của mình đã từng quay lại thăm chiến trường xưa, nhưng tiếc là cả hai chưa từng gặp mặt. “Khi ấy tôi mới là Trung úy và Alvarez cũng vậy. Chúng tôi bằng tuổi nhau. Lẽ ra Hải quân Mỹ không nên dựng ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, lẽ ra anh ta không nên tấn công chúng tôi ngày hôm đó. Chúng tôi yếu hơn họ gấp trăm lần, nhưng nếu phải chiến đấu, chúng tôi sẽ đánh mạnh hơn họ gấp nghìn lần” - ông Chừng quả quyết.

Thủy thủ tàu S-225 năm xưa

Ký ức không quên

Trước khi trận đánh xảy ra Hải quân Việt Nam vẫn chỉ là một lực lượng vô cùng non trẻ. Ngoài vài tàu phóng lôi, tàu quét mìn, tàu tuần tiễu hạng nhẹ thì chỉ còn 4 chiếc săn ngầm loại 200 tấn. Cơ bản lực lượng hải quân lúc đó để phòng thủ bờ biển còn chưa đủ trang thiết bị thì làm sao có thể khơi mào một sự kiện như Vịnh Bắc bộ để phải đối đầu với Hải quân Mỹ? Vậy mà họ vẫn quyết tâm gây hấn để có cớ đánh chúng ta, chúng ta không có lựa chọn - ông Chừng nhớ lại. 

Từ sáng 5-8-1964 quân Mỹ đồng loạt tấn công các căn cứ của ta từ dọc sông Gianh (Quảng Bình), Nghệ An ra tới Thanh Hóa rồi xuống tới Quảng Ninh, Hải Phòng… Lúc này cả đơn vị của ông Chừng nhận lệnh sẵn sàng. Ông kể: “Khi đó tôi là thuyền trưởng tàu S-225 có nhiệm vụ trực ban chiến đấu. Đây là một con tàu có nhiệm vụ săn ngầm, vì thế nó không được trang bị hỏa lực để tấn công tàu mặt nước hay phòng không hữu hiệu mà chỉ được gắn hệ thống định vị thủy âm cùng 2 giàn thả bom nổ sâu dưới nước. Còn hai khẩu 25mm đặt tại mũi và đuôi chúng tôi vẫn nói vui với nhau là chỉ để “đuổi ruồi” có tính chất tự vệ là chính. Nửa ngày tĩnh lặng trôi qua trong sự chờ đợi căng thẳng thì đột nhiên 14h cùng ngày còi báo động rú lên. Hàng đàn máy bay Mỹ từ biển bay sát mặt nước để tránh ra đa bất ngờ ập đến đánh thẳng vào đội hình tàu của ta tại Vịnh Hạ Long. Không bỏ phí một giây, ông Chừng hạ lệnh chặt đứt dây neo và cơ động tàu thoát ra khỏi vị trí bị oanh tạc. Lúc ấy, một suy nghĩ vụt nảy trong đầu: “Nếu chỉ cơ động trong vịnh mà chẳng may bị địch bắn chìm thì chính tàu của mình sẽ thành chướng ngại vật cản trở các tàu khác sẽ không thoát ra được”. Chính vì thế ông chỉ huy con tàu chạy thẳng ra cửa Lục.

Sau đợt oanh kích đầu tiên, tốp máy bay vòng theo hướng Hoành Bồ để quay trở lại. Phát hiện con tàu của ông Chừng đang lẻ loi trên biển, lại yếu về hỏa lực phòng không, 8 chiếc máy bay địch cơ động theo đội hình chiến đấu tập trung tấn công. Từ trên đài chỉ huy ông Chừng vừa lệnh cho tàu tăng tốc chạy vòng vèo tránh đạn vừa chỉ thị mục tiêu cho pháo thủ Bùi Mạnh Hùng kiên cường đánh trả. Chia lửa cùng con tàu là các cỡ súng trên bờ thay nhau đan thành lưới lửa. Đúng lúc này Alvarez bay ở vị trí số 1 của phi đội quyết định chọn góc tiếp cận 30 độ và bổ nhào chiếc Sky Hawk từ độ cao 3.000m xuống tấn công con tàu. Từ trên tàu S-225 ông Chừng có thể nhìn rõ ánh mặt trời phản chiếu lấp lánh trên ô kính lái của con “Chim ưng nhà trời”. Khi pháo thủ báo cáo đã chọn xong mục tiêu, đợi chiếc máy bay lớn dần lên qua ốm nhòm, ông Chừng hét lạc giọng: “Bắn”.

Trong tiếng đạn nổ đinh tai, ông không rõ Alvarez bắn trước hay pháo thủ của ông bắn trước, nhưng khi chiếc máy bay màu xám vọt lên mọi người thấy đuôi nó kéo theo một vệt khói dài. Chiếc A4-Sky Hawk bỏ cuộc nhằm hướng biển chuồn thẳng. 7 chiếc còn lại cũng không dám đánh thêm mà bay theo bảo vệ đồng bọn. Về sau ông Chừng mới biết Alvarez chỉ chạy ra được đến Bái Tử Long thì rơi. May mắn viên phi công đã kịp nhảy dù và được dân quân cứu. Trận đánh ấy Hàng không mẫu hạm USS Constellation nếm thất bại đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam.

Khi biển bình yên trở lại và đưa tàu của mình lên bờ sửa chữa, các kỹ sư phát hiện hàng chục lỗ đạn 20mm mà Alvarez đã nhắm vào ông Chừng và con tàu. Riêng tại vị trí ông đứng chỉ huy có một viên đi thẳng vào tấm chắn. Ông cười bảo: “Cũng may mà tấm thép dày nên viên đạn của anh ta không xuyên qua được. Nếu không, biết đâu bây giờ tôi đã chẳng còn ngồi ở đây mà nhớ lại câu chuyện này”. Tối hôm ấy, cả tàu của ông vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng xuống thăm. Và hôm sau chiến công của con tàu do ông chỉ huy đã được hiện thực hóa bằng tấm Huân chương chiến công hạng 3. Riêng pháo thủ Bùi Mạnh Hùng được tặng Huân chương hạng nhì do đã trực tiếp bóp cò hạ máy bay địch.