Cuộc chiến khốc liệt chống cát tặc

ANTD.VN - Không ồn ào như giao thông đường bộ, cũng chẳng bức xúc vì chuyện lưu thông tắc nghẽn, hoạt động giao thông đường thủy trên các tuyến sông của Thủ đô lâu nay vẫn diễn ra bình lặng. Tuy nhiên, phía sau cái vẻ bình yên ấy lại là cuộc chiến vô cùng khốc liệt, nóng bỏng giữa lực lượng Cảnh sát đường thủy với những ổ nhóm cát tặc đang ngày đêm quần thảo rút ruột lòng sông.

Thập diện mai phục 

Đêm một ngày cuối tháng 8, từng CBCS của Đội Tuần tra kiểm soát đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát đường thủy nhanh chóng di chuyển xuống tàu tuần tra. Màn đêm cuối tháng như càng dày đặc hơn khiến cho ai đó dù cách vài mét cũng chẳng nhìn rõ mặt.

Qua bộ đàm, Trung tá Bùi Văn Chuẩn, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát đường thủy số 1, trinh sát tuyến trên thông tin con tàu khai thác cát trái phép đang hoạt động mỗi lúc một mạnh hơn ở khu vực xã Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội.

Chiếc tàu tuần tra từ hướng hạ lưu xé sóng lao vút ngược dòng nước nhằm hướng xã Liên Hà thẳng tiến. Sau tiếng hô lớn của người chỉ huy Đội Tuần tra kiểm soát đường thủy số 1: “Cảnh sát đường thủy đây, yêu cầu tất cả đứng im”, những chiếc đèn soi công suất lớn rọi thẳng vào chiếc thuyền vi phạm. 

Dù đã hết sức đề phòng trước khi hạ neo để khai thác cát trái phép, song Lê Hoàng Việt (SN 1985, ở thôn Quý, xã Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội) chủ tàu khai thác cát trên vẫn không kịp trở tay.

Tại hiện trường, chiếc tàu không có số hiệu đăng ký đang vục những vòi rồng khổng lồ xuống đáy sông để hút cát. Lẫn trong tiếng máy nổ vang là âm thanh ùng ục của dòng cát bị đám khai thác cát trái phép rút ruột lòng sông lôi lên bờ, chuyển sang khoang chứa của tàu hàng do Lê Ngọc Đăng (SN 1954, ở Ba Vì, Hà Nội) điều khiển.

Khi lực lượng Cảnh sát đường thủy kiểm tra, Lê Hoàng Việt không xuất trình được giấy phép khai thác cát, thừa nhận hành vi vi phạm, đồng thời cũng không có bằng thuyền trưởng.

Chưa kể, đối tượng này còn mắc hàng loạt các lỗi khác như sử dụng phương tiện thủy không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện nội thủy và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện, khai thác cát trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng mà không có giấy phép…

Đội Tuần tra kiểm soát đường thủy số 1 ra quyết định phạt hơn 51 triệu đồng kèm theo hình thức phạt bổ sung tịch thu phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát sỏi đối với chủ phương tiện vi phạm.

Không chọn thời điểm đêm tối như Lê Hoàng Việt, Nguyễn Công Mến (SN 1991, ở Minh Châu, Ba Vì, Hà Nội) thể hiện sự liều lĩnh hơn khi leo dắt tàu cuốc có trọng tải hàng nghìn tấn, công khai hút cát trái phép ở sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn huyện Ba Vì.

Những gầu máy như miệng của con “quái vật” tham lam sục sạo để ngoạm lấy cát, sỏi, tài nguyên khoáng sản dưới lòng sông Hồng trước khi đưa sang tàu hàng VR-16040176 đang đứng bên cạnh. Đứng từ xa hàng km cũng dễ dàng nhận thấy con tàu cuốc đồ sộ, lừng lững án ngữ ở giữa một khúc sông.

Tiếng máy nổ giòn giã, gầu xúc khai thác được thiết kế liên hoàn khiến cho con tàu cuốc như một đại công trường thu nhỏ. Quá trình kiểm tra, tất cả những người trên tàu cuốc từ chủ đến người làm thuê đều không xuất trình được đăng ký, đăng kiểm, giấy tờ do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp liên quan đến hoạt động khai thác cát…

Nóng bỏng cát tặc

Hàng chục năm gắn bó với nghề sông nước, Trung tá Nguyễn Hồng Hải, Đội phó Đội Tuần tra kiểm soát đường thủy số 1 thuộc nằm lòng từng khúc sông của Thủ đô. Thậm chí, chỉ cần nhìn dòng nước chảy trên mặt sông, người chỉ huy của Cảnh sát đường thủy cũng biết được phía dưới lòng sông lồi lõm, nông sâu ra sao.

Cứ mỗi trận đánh cát tặc, chứng kiến những chiếc vòi rồng khổng lồ cắm chặt xuống lòng sông ùng ục hút cát như hút cạn kiệt dần sinh lực của sông Cái, Trung tá Nguyễn Hồng Hải không khỏi xót xa. 

“Các đối tượng khai thác cát trái phép chẳng từ chỗ nào, cho dù là giữa sông, mép nước hay bờ kè, vị trí trọng yếu bảo vệ an ninh quốc gia, chúng cũng sẵn sàng buông neo, thả vòi rồng, miễn sao hút được càng nhiều cát càng tốt” - Trung tá Nguyễn Hồng Hải phẫn nộ.

Thông tin với phóng viên, Trung tá Hải cho biết, một trong số đối tượng đó phải kể đến Cao Văn Thủy (SN 1970, ở Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội). 3h20 sáng 4-9, Thủy điều khiển con tàu tự chế, không có số đăng ký liều lĩnh cắm vòi rồng vào khu vực hành lang bảo vệ luồng trên sông Hồng.

Số lượng cát chúng hút được chuyển vào khoang chứa của tàu chở hàng VR-150336674 do Nguyễn Văn Chung (SN 1975, ở TP Thanh Hóa) điều khiển. Hàng loạt những lỗi vi phạm cũng bị Cảnh sát đường thủy làm rõ đối với chủ tàu này.

15 tàu cuốc, tàu tự chế khai thác cát trái phép đã bị Đội Tuần tra kiểm soát đường thủy phát hiện, bắt giữ trong chưa đầy 2 tháng qua (từ tháng 8 đến nay) là con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, để bắt giữ được một chiếc tàu tự chế khai thác cát trái phép là điều không hề dễ dàng.

Tổng quân số của Đội Tuần tra kiểm soát đường thủy số 1 hiện nay có 14 CBCS. Trừ 2 chiến sỹ đi học, một bộ phận ứng trực ở trụ sở theo quy định, tất cả số CBCS ngày cũng như đêm đều gần như ăn ngủ dưới lòng sông.

Đối với những CBCS nhà xa, việc vài tháng mới được tranh thủ về nhà là chuyện thường. Ngay cả những CBCS nhà ở cách đơn vị vài km có khi cả tháng mới thu xếp được thời gian về gặp vợ con.

Công việc cứ cuốn các anh đi bởi dưới dòng sông Hồng cuồn cuộn ấy là sức nóng khủng khiếp của hoạt động khai thác cát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Với lợi nhuận khổng lồ, các đối tượng cát tặc sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để chống đối sự kiểm tra của Cảnh sát đường thủy, từ việc bố trí người cảnh giới đến thái độ manh động chống đối “một mất một còn”, câu kết giữa các ổ, nhóm khai thác cát trái phép…, điều đó khiến cho công tác tuần tra, bắt giữ, xử lý “cát tặc” trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Hành động quyết liệt 

Hoạt động vận tải trên các tuyến sông chỉ có hai chiều xuôi và ngược dòng nhưng không phải vì thế mà không phức tạp, nhất là nổi lên tình trạng khai thác cát trái phép. Trước lợi nhuận khổng lồ từ cát, sỏi, không ít cá nhân, tổ chức, hội nhóm sử dụng tàu thuyền liều khai thác cát trái phép ở các tuyến sông của Thủ đô.

Số đối tượng này hoạt động từ bí mật, lén lút cho đến công khai, khiến cho tuyến sông Hồng đi qua địa bàn Thủ đô bị tổn thương nghiêm trọng. Dòng sông bị thay đổi dòng chảy, đê kè bị sạt lở, Nhà nước thất thu tài nguyên, khoáng sản và thuế, trong khi một dòng tiền không nhỏ chảy vào túi các cá nhân, ổ nhóm vi phạm.

Cách đây không lâu, đích thân đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đứng ra giải quyết tình hình khai thác cát trái phép ở sông Hồng đoạn giáp ranh giữa Hà Nội và Hưng Yên.

Liên tiếp sau đó, những hội nghị của các bộ, ngành có liên quan với Hà Nội cũng đã được tổ chức, với quyết tâm và sự đồng lòng “thẳng tay trị nghiêm cát tặc”. Sự quyết tâm này đã được cụ thế hóa bằng những hành động quyết liệt của Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát môi trường và Công an các quận huyện, thị xã cũng như cơ quan chức năng có liên quan.

Mới đây, ngày 23-9, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ có liên quan của CATP Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình khai thác cát, với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, nạo vét, khai thác khoáng sản trên sông Hồng.

Cùng với việc lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, chỉ huy các phòng nghiệp vụ của CATP Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động đúng theo quy định; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong chiến dịch mạnh tay quét cát tặc.

“Tất cả các tàu, thuyền tự chế khai thác cát trái phép đều sẽ bị tịch thu, tiêu hủy, phạt nghiêm theo đúng quy định. Đối với những công ty, doanh nghiệp vi phạm cũng sẽ bị xử lý nghiêm, đề nghị rút giấy phép đầu tư, hoạt động, đảm bảo cho các tuyến sông Thủ đô được trong lành, sạch sẽ, không thất thoát tài nguyên khoáng sản và thuế của Nhà nước” - Đại tá Khuất Văn Kiều, Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy nhấn mạnh.