“Cuộc chiến” cho những… mầm non

(ANTĐ) - Sáng 1-7, các trường mầm non của Hà Nội mới bắt đầu nhận hồ sơ nhập học nhưng một lần nữa, người ta đã phải chứng kiến cảnh hàng trăm phụ huynh đã phải ăn chực, nằm chờ tại cổng trường trắng đêm chỉ với hy vọng: Xin được học cho con. Chưa bao giờ việc học của các lớp mầm non lại nan giải như lúc này. Nhiều lớp học đã lên tới 70 cháu/lớp nhưng tình trạng quá tải này sẽ còn tiếp diễn khi số trẻ vào trường năm sau cao hơn năm trước.

“Cuộc chiến” cho những… mầm non

(ANTĐ) - Sáng 1-7, các trường mầm non của Hà Nội mới bắt đầu nhận hồ sơ nhập học nhưng một lần nữa, người ta đã phải chứng kiến cảnh hàng trăm phụ huynh đã phải ăn chực, nằm chờ tại cổng trường trắng đêm chỉ với hy vọng: Xin được học cho con. Chưa bao giờ việc học của các lớp mầm non lại nan giải như lúc này. Nhiều lớp học đã lên tới 70 cháu/lớp nhưng tình trạng quá tải này sẽ còn tiếp diễn khi số trẻ vào trường năm sau cao hơn năm trước.

>>>Thâu đêm chờ xin cho con vào mẫu giáo

Phụ huynh xếp hàng cả đêm tại trường Mầm non Thanh Xuân Bắc
Phụ huynh xếp hàng cả đêm tại trường Mầm non Thanh Xuân Bắc

Đến giờ phát đơn nhưng đã “hết chỉ tiêu”

23h30 tại cổng trường Mầm non Chu Văn An số 19 Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội. Khắp một đoạn vỉa hè, cùng với sự hiện diện của hàng trăm phụ huynh là la liệt, chiếu, mảnh áo mưa, báo cũ, ghế nhựa hoặc những viên gạch vỡ… tất cả những gì có thể trưng dụng cho việc chờ đợi đến 7h30 sáng. Năm nay nhà trường chỉ tuyển sinh 12 cháu vào học mẫu giáo, 70 cháu nhà trẻ. Tin này không khác gì sét đánh ngang tai khi đây là trường mầm non công lập duy nhất của phường.

Dù đã ra xếp hàng từ 6h chiều 30-6 nhưng bà Tuyết cũng phải chịu xếp thứ 57. “Ngồi đây từ 6h chiều, tôi chưa có hột cơm nào vào bụng bởi sợ đứng dậy thì mất chỗ. Mãi đến 22h con gái tôi mới ra thay ca cho mẹ để về tắm rửa, cơm nước rồi lại ra cổng trường “trực chiến” tiếp. Đến sáng thì có chồng tôi tiếp quản. Thôi thì hy vọng cứ kiên trì thì sẽ xin được học cho cháu”, bà Tuyết bộc bạch.

7h30 phút sáng 1-7, số người xếp hàng tại phòng tuyển sinh của trường còn đông hơn nhưng lạ là hầu hết phải ra về tay không với câu trả lời “đã hết chỉ tiêu”. Chiều cùng ngày, sau khi đến Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ xin Giấy giới thiệu mới được gặp, chúng tôi được bà Vũ Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc phụ huynh xếp hàng từ đêm ngày 30-6 là hành động tự phát bởi ngày từ ngày 16-6, nhà trường đã thông báo thời gian tuyển sinh bắt đầu từ 7h30 đến 11h ngày 1-7”.

Cũng theo bà Hà, việc tuyển sinh của nhà trường hoàn toàn đúng quy định. Trước tình trạng hơn 200 phụ huynh đồng thời có mặt tại phòng tuyển sinh để xin đơn, trong khi đó, nhiều phụ huynh đã lập danh sách thứ tự các phụ huynh theo thời gian họ có mặt tại trường nên sau khi xin ý kiến của lãnh đạo phường và được sự đồng ý của đa số phụ huynh, nhà trường đã căn cứ căn cứ vào danh sách này để phát đơn tuyển sinh. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh bức xúc vì đến đúng giờ nhưng đơn đã phát hết.

Trong sáng 1-7, nhà trường đã phát ra 56 hồ sơ/70 chỉ tiêu trẻ sinh năm 2008, 11 trẻ sinh năm 2005 (số lượng này nằm ngoài chỉ tiêu do Phòng GĐ-ĐT quận cho phép nhưng đã được chấp nhận), và 12 chỉ tiêu trẻ sinh năm 2006-2007.

Căng thẳng từ nội thành đến khu đô thị mới

Tương tự, 3h sáng 1-7, gần 300 người ngồi trực trước cổng trường mầm non Thanh Xuân Bắc xếp thành 2 hàng ngồi trong sân trường để đợi đọc đến tên. Mặc dù CAP Thanh Xuân Bắc đã được triển khai để giữ gìn ANTT nhưng đến 8h30, việc bán hồ sơ diễn ra trong cảnh chen lấn, xô đẩy. Trong số đám đông phụ huynh đó, không ít người đã chờ ở cổng trường từ chiều 30-6. Trường hợp anh Phạm Văn Mậu là một ví dụ. Mới chỉ định tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm học mới nhưng chiều 30-6, thấy có người xếp hàng ghi tên để xin cho con, anh Mậu vội vàng gọi điện xin nghỉ làm, hòa vào dòng người xếp hàng ở cổng trường.

“Lúc đó đã trên 100 người rồi. Nhìn quanh thì thấy có nhiều quyển sổ để đăng ký danh sách lắm, không biết thế nào mà lần. Để chắc ăn thì đành phải xếp hàng ngồi đợi đến sáng mai thôi". Anh Mậu cũng không quên gọi điện về cho vợ mang ghế, ô, bánh mỳ, nước... để "trực chiến". Theo cán bộ phòng Giáo dục quận Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn phường Thanh Xuân Bắc hiện có 2 trường công lập, đáp ứng hơn 1.100 trẻ, một trường tư thục dành cho 200 học sinh và 12 lớp tư thục, với 570 trẻ theo học. Do trường Mầm non Tràng An đang trong giai đoạn sửa chữa nên các phụ huynh lo lắng con em mình không có chỗ học.

Được biết tình cảnh thức trắng đêm để xếp hàng xin học vào mầm non cũng diễn ra ở khá nhiều trường trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt tại nhiều khu đô thị mới, để kiếm được một chỗ vào trường mầm non công lập là rất khó khăn. Tại khu đô thị Bắc Linh Đàm - quận Hoàng Mai, trường Mầm non Linh Đàm là trường thực nghiệm của trường Sư phạm mẫu giáo Hà Nội, dù không có trách nhiệm bắt buộc phải nhận học sinh trên địa bàn nhưng vẫn ưu tiên học sinh có hộ khẩu thường trú tại đây. Tuy nhiên, với số dân cư đông, nhu cầu lớn, việc xin cho con học vào đây rất hạn chế do chỉ tiêu không nhiều. Một phụ huynh ở đây cho biết với 2 đứa con cùng lứa tuổi mẫu giáo chị chỉ có thể xin được cho đứa nhỏ, còn đứa lớn 5 tuổi thì hầu như không hy vọng.

Chưa có giải pháp

Với gần 330.000 trẻ mầm non ra lớp tính đến tháng 5-2010, hầu như các trường công lập đều trong tình trạng quá tải với những nơi có số trẻ lên tới 70 bé/lớp. Nói về vấn đề này bà Nguyễn Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, với số lượng trẻ có nhu cầu đến lớp vượt quá khả năng đáp ứng, Hà Nội đã có chủ trương ưu tiên 100% trẻ 5 tuổi đến trường. Bà Hương khẳng định, tất cả trẻ 5 tuổi đều có chỗ tại các trường mầm non công lập trên địa bàn.

Riêng với các khu đô thị, những nơi chưa có trường công lập, Hà Nội cũng đã yêu cầu các phòng GD-ĐT quận huyện bố trí chỉ tiêu trẻ ở khu đô thị này học tại các trường mầm non trên địa bàn lân cận thuộc quận huyện đó. “Trường hợp trẻ 5 tuổi ở khu đô thị chưa xin học được cần đến làm việc với Phòng GD-ĐT địa bàn mình để xem phân tuyến về trường nào” - bà Hương cho biết. Ngoài ra, phụ huynh cần quan tâm đăng ký cho con em mình đúng thời hạn tuyển sinh trẻ 5 tuổi, quá thời hạn quy định nhà trường sẽ dành chỉ tiêu đó cho các lứa tuổi khác.

Như vậy, với bài toán này, có thể thấy ngoài việc Hà Nội đảm bảo ưu tiên trẻ 5 tuổi được học theo chương trình giáo dục mầm non mới đúng chất lượng theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT tại các trường công lập thì số chỉ tiêu còn lại sẽ không đủ đáp ứng cho những lứa tuổi khác. Tình trạng quá tải mầm non vẫn chưa thể khắc phục nay mai. Giải pháp cho vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng trường Chu Văn An cho biết: “Để giảm tải cho các trường mầm non công lập, tôi nghĩ rằng về lâu dài, Nhà nước cần có thêm quỹ đất cho giáo dục. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền cho nhân dân về các hình thức giáo dục ngoài công lập đồng thời có sự cân đối về học phí giữa các hình thức giáo dục…”.

Vinh Hương- Tuấn Dũng - Đăng Khoa