Cùng toàn dân kháng chiến

(ANTĐ) - Thực hiện Chỉ thị ngày 19-1-1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về "phá hội tề", từ tháng 5 đến 8-1948, Công an Hà Nội mở các đợt phá tề kết hợp với trừng trị bọn ác ôn ngoan cố. Điển hình là các trận đánh vào kho dầu Sở Lục bộ làm cháy 3.400 lít xăng, phá 3 xe, diệt một số tên địch, phục kích ở dốc Vĩnh Tuy diệt 2 tên Pháp, lấy được 1 xe ô tô chở vũ khí của địch.

Những trang sử vẻ vang của Công an Thủ đô Anh hùng 

Cùng toàn dân kháng chiến

>> Kỳ 1: Ra đời trong bão táp

>> Kỳ 2: 60 ngày đêm quyết tử

(ANTĐ) - Thực hiện Chỉ thị ngày 19-1-1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về "phá hội tề", từ tháng 5 đến 8-1948, Công an Hà Nội mở các đợt phá tề kết hợp với trừng trị bọn ác ôn ngoan cố. Điển hình là các trận đánh vào kho dầu Sở Lục bộ làm cháy 3.400 lít xăng, phá 3 xe, diệt một số tên địch, phục kích ở dốc Vĩnh Tuy diệt 2 tên Pháp, lấy được 1 xe ô tô chở vũ khí của địch.

Từ căn cứ kháng chiến và nơi đứng chân ở các vùng lân cận, phía Nam và phía Bắc thành phố, Công an Hà Nội là lực lượng tiên phong mở đường vào nội thành để nắm tình hình, gây dựng cơ sở, tiến hành các hoạt động vũ trang diệt trừ những tên Việt gian đầu sỏ ngay tại sào huyệt của địch, gây cho chúng sự hoang mang, dao động như vụ tiêu diệt tên Trương Đình Tri - Chủ tịch Hội đồng An dân Bắc Việt; Đặng Trần Học - Phó giám đốc Công an ngụy Bắc Việt...

Bên cạnh thành tích đặc biệt xuất sắc về công tác nắm tình hình, gây dựng cơ sở, hoạt động diệt ác, trừ gian, Công an Hà Nội trong thời kỳ này còn tổ chức các hoạt động điệp báo, phản gián đi sâu vào các cơ quan đầu não chính trị, quân sự, gián điệp tình báo của Pháp và ngụy quyền. Điển hình là vụ đánh đắm Thông báo hạm Amyot D'Inville của hải quân Pháp tại vùng biển Sầm Sơn của các chiến sĩ tổ điệp báo A13 Công an Hà Nội, giáng một đòn đau vào cơ quan tình báo, chặn đứng mưu đồ của thực dân Pháp tấn công ra vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Để duy trì, phát triển cuộc đấu tranh trong lòng Hà Nội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lâu dài của cuộc kháng chiến, nhiều cơ sở của Công an Hà Nội đã được xây dựng trong các cơ quan cao cấp của ngụy quyền, của tổ chức phòng Nhì, các đảng phái phản động, trong số tư sản trí thức ở cả nội và ngoại thành. Nhiều thông tin quan trọng, có giá trị của địch đã được Công an Hà Nội khai thác triệt để, báo cáo kịp thời phục vụ cho sự chỉ đạo của Trung ương Đảng. Nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước trong nội thành được Công an Hà Nội đưa ra khỏi nội thành về với kháng chiến.

Trong 9 năm kháng chiến, Công an Hà Nội đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Ty Công an Hà Nội được Sở Công an Liên khu III tặng "Cờ thi đua khá nhất"; được Bác Hồ khen ngợi trong thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V; Hai cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Ty Công an Hà Nội và hai cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; sáu cá nhân được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi, nhân viên Ban Điệp báo trực tiếp tiêu diệt Thông báo hạm Amyot D'Inville được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba…

(Còn nữa)

T.K

(Theo “Những trang sử vẻ vang của Công an Thủ đô Anh hùng” và “Những cá nhân, tập thể Anh hùng trong lực lượng CAND”)