Cùng nêu gương để tạo chuyển biến mạnh mẽ

ANTD.VN - Nhìn vào những trường hợp đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật do có vi phạm, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải biết tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân... 

Tại Hội nghị Trung ương 9 - khóa XII, Tổng Bí thư đã nhắc lại tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ đảng viên vi phạm

Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa khép lại sau 2 ngày làm việc khẩn trương. Bên cạnh rất nhiều nội dung hệ trọng được quyết nghị, tại Hội nghị Trung ương chín, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. 

Tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, đã có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, trong đó có 4 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Đây là con số chưa từng có.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương chín, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tiếp tục tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, năm 2018, chúng ta đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp Tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự”. Rõ ràng, việc kỷ luật cán bộ vi phạm vừa qua “rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có lý có tình, không đao to búa lớn, nhưng tâm phục khẩu phục, làm quyết liệt nhưng giữ được ổn định”.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”.

Khẳng định tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm

Tại Hà Nội, phát biểu tại hội nghị kiểm điểm công tác năm 2018 của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Mỗi cá nhân lãnh đạo cần phát huy tinh thần nêu gương; khẳng định tư duy đổi mới, ý chí, bản lĩnh chính trị với tinh thần dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để có những đóng góp hiệu quả, chất lượng hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đối với những việc mới, việc khó, các vấn đề dân sinh bức xúc...”.

Trở lại việc kỷ luật Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước đánh giá, đây là bài học sâu sắc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không chỉ đối với đồng chí Tất Thành Cang, mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta.  

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân, để lại nỗi đau khôn lường đối với người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn. 

“Mỗi người chúng ta cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng; và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Chúng ta cũng đề phòng và kiên quyết bác bỏ những âm mưu, luận điệu sai trái của các phần tử xấu, thù địch xuyên tạc những việc làm chính đáng của chúng ta để kích động, hòng chia rẽ nội bộ ta” - Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý.

Chờ đợi sự lan tỏa

Năm 2019 là năm có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Đây là thời điểm đồng bào, chiến sĩ cả nước cần chung sức đồng lòng, phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2018, tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và toàn bộ nhiệm vụ mà Đại hội XII đã đề ra.

Hơn bao giờ hết, cả nước đang cần sự nêu gương đi đầu của các đồng chí lãnh đạo, từ Trung ương tới địa phương, với tinh thần “giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”. Cuối tháng 10-2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là hệ quy chiếu quan trọng để mỗi người Đảng viên “thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa” như lời Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng căn dặn.

Quy định số 08-QĐi/TW còn là cơ sở để nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cấp cao. Không chỉ có những quy định mang tính “vĩ mô”, nhiều điểm trong Quy định số 08-QĐi/TW rất gần gũi, mang tính chất “đời thường” và dễ giám sát, đơn cử như quy định: “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương không được để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi; Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật”...

Rõ ràng, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng, chấp nhận “đau” khi loại bỏ những người không còn xứng đáng, để giữ gìn sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, thì việc kết hợp giữa xây và chống nhằm ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm là rất quan trọng. Quy định số 08-QĐi/TW chính là một trong những công cụ quan trọng nhất để thực hiện có hiệu quả chủ trương này.

Nói về quy định nêu gương, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đúng như lời dạy của Bác Hồ:  “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. 

Cùng nêu gương để tạo chuyển biến mạnh mẽ ảnh 2

“Tiếp tục tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, năm 2018, chúng ta đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp Tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự. Rõ ràng, việc kỷ luật cán bộ vi phạm vừa qua rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có lý có tình, không đao to búa lớn, nhưng tâm phục khẩu phục, làm quyết liệt nhưng giữ được ổn định. Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”.

     Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng