Cử tri và nhân dân bức xúc trước tình trạng kinh doanh đa cấp lừa đảo

ANTĐ - Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Cử tri và nhân dân đề nghị Bộ Công thương và chính quyền các cấp siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm các vi phạm.

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ XI khóa XIII, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp 3.794 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Quốc hội trước thềm cuộc họp thứ XI.

Theo đó, cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XIII trên các lĩnh vực xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời mong muốn cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 kế thừa và phát huy thành công Đại hội Đảng bộ các cấp của Đảng để lựa chọn những đại biểu có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, tâm huyết với đất nước, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước.

Cử tri và nhân dân bức xúc trước tình trạng kinh doanh đa cấp lừa đảo ảnh 1

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân (ảnh: Phú Khánh)

Cử tri và nhân dân cả nước lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại và thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình Biển Đông. 

Về sản xuất kinh doanh và quản lý thị trường, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng; lo lắng, bức xúc về việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm; việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng. Một số vụ việc diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Cử tri và nhân dân đề nghị Bộ Công thương và chính quyền các cấp siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về việc bảo đảm an sinh xã hội, cử tri và nhân dân phấn khởi trước việc Chính phủ đã nâng mức lương tối thiểu theo vùng, góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng đề nghị Chính phủ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chủ động xây dựng kế hoạch dài hạn về nâng mức lương tối thiểu gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất để đảm bảo tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế đồng thời bảo đảm nâng cao thu nhập thực tế của người lao động.

Cử tri và nhân dân bức xúc trước tình trạng kinh doanh đa cấp lừa đảo ảnh 2

Cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra rất khốc liệt

Việc thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà ở với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhiều người dân khi thực hiện ký hợp đồng tín dụng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi, mặt khác, một số ngân hàng chưa giải thích rõ về các điều khoản trong hợp đồng theo quy định, dẫn đến tình trạng người dân bất ngờ, lúng túng trước thông tin áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1-6-2016. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát và có giải pháp kịp thời để bảo đảm những người có thu nhập thấp đã ký kết vay theo gói hỗ trợ trên tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi theo mức hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống.

Về văn hoá, xã hội, y tế, cử tri và nhân dân phản ánh vẫn còn hiện tượng mất trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết ở một số lễ hội, tình trạng cháy, nổ xảy ra ở một số nơi gây thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân, tình trạng đốt pháo ở một số địa phương vẫn xảy ra. Cử tri và nhân dân kiến nghị Bộ VH - TT&DL, các ngành chức năng và các địa phương cần có những giải pháp hiệu quả chấn chỉnh, khắc phục tình trạng bất cập trên; nghiên cứu cách tổ chức lễ hội văn minh, lịch sự, an toàn, tiết kiệm đồng thời bảo tồn, phát huy được các truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân gian. 

Cử tri và nhân dân băn khoăn trước việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế kể từ ngày 1-3-2016; kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm y tế. 

Về trật tự an toàn giao thông và quản lý đô thị, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn cao. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, bán hàng còn phổ biến; ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở Hà Nội, TP HCM. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GT - VT, Bộ Công an, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý các phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện và cấp giấy phép lái xe; chính quyền TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch và quản lý đô thị để giảm ùn tắc giao thông.

Cử tri và nhân dân bức xúc trước tình trạng kinh doanh đa cấp lừa đảo ảnh 3

Tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn gây bức xúc cử tri
Cử tri và nhân dân bức xúc trước nhiều vụ việc xây dựng không phép, trái phép được phát hiện trong thời gian qua và công tác quản lý yếu kém, có nhiều dấu hiệu tiêu cực, việc xác định trách nhiệm không rõ, xử lý không kiên quyết. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị quản lý để xảy ra sai phạm, báo cáo tại kỳ họp sớm nhất của Quốc hội và công bố rộng rãi trên thông tin đại chúng về kết quả giải quyết vụ việc để người dân giám sát.

Cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra rất khốc liệt, như: tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, xâm mặn đang diễn ra nghiêm trọng tại miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân và dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài với mức độ ảnh hưởng lớn hơn, nguy cơ 300.000 ha đất tại đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán, xâm mặn và khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu người đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền Trung sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đang hiện hữu.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm mặn; hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất cũng như đề ra các biện pháp căn cơ, lâu dài trong việc quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều; điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích ứng lâu dài và phối hợp với các quốc gia láng giềng để cùng ứng phó với biến đổi khí hậu.