Cứ nói đi, rồi sẽ có người nghe

ANTĐ - Ngay sau khi đọc bức tâm thư trên báo theo dạng thư ngỏ của một người dân xin được “ứng” trước một chiếc cầu vượt bộ hành trước cổng bệnh viện K - cơ sở 3  ở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GTVT đã hồi đáp ngay bằng hành động cụ thể. Ông đã lập tức đề nghị các cá nhân và cơ quan hữu trách khảo sát thực địa, đưa phương án giải quyết sớm nhất. Đấy chính là tác phong làm việc một “công bộc của dân” mà cử tri mong đợi, đồng thời cũng khiến cho những người nào còn giữ thói “quan trên” phải xem xét lại mình.

Thư ngỏ là thư có thể không gửi cụ thể cho ai, gửi cho một chủ thể chung chung hoặc gửi cụ thể cho một chủ thể, với mục đích là để mọi người cùng biết. Thư ngỏ thường nêu lên những đề đạt, nguyện vọng, thậm chí yêu sách cần được đáp ứng. Tất nhiên, không phải yêu sách hay nguyện vọng nào, Nhà nước cũng có thể đáp ứng được. Nhưng, nếu là những nguyện vọng nêu lên từ bức xúc dân sinh trong những lĩnh vực thường ngày như giáo dục, y tế, điện - đường - trường - trạm thì người có chức trách liên quan cần xem xét cho thỏa đáng! Lắng nghe dân nói, làm cho dân tin, đấy là những “công bộc của dân” mà Bác Hồ đã dạy.

 

Ở đây, bức thư ngỏ được đăng trên Vietnamnet của một người dân ký tên là Bình Nguyên đã mô tả chi tiết về những nguy cơ mất an toàn giao thông khi băng qua đường trước cổng Bệnh viện K - cơ sở 3, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, vì “nơi này không có đèn xanh đèn đỏ, không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, càng không có một cây cầu vượt dành cho người qua đường...”. Vì thấy thông cảm với những bệnh nhân ung thư phần lớn đều ở vùng quê nghèo, trải nghiệm giao thông ít và “kỹ năng” tránh xe lúc qua đường cũng hạn chế, nên người viết tâm thư đã xin Bộ trưởng Bộ GTVT “ứng” trước một chiếc cầu vượt bộ hành.

Bức thư ấy rất có thể sẽ cùng chung số phận với những bức thư ngỏ khác và điều này thì người dân cũng hiểu và… thông cảm, các Bộ trưởng bận trăm công nghìn việc, thư gửi đến đích danh, đúng địa chỉ, tận tay có khi chưa chắc đã xem hết được, nói gì thư ngỏ, vốn bị coi là “nói vu vơ”. Dẫn chứng về việc này thì đã có nhiều, cũng chưa tới nỗi xa xôi gì mà chỉ mới đây thôi. Hơn thế nữa, việc xây một cây cầu không giống như xây một ngôi nhà của cá nhân, cứ bỏ tiền ra mua gạch, thuê thợ về là làm được, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ theo quy hoạch, rồi còn đề xuất, trình duyệt, thiết kế… Thế nhưng chỉ 1 ngày sau khi bức thư lên báo, nhiều người dân thậm chí còn chưa đọc được, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đọc được, lập tức chỉ đạo và đề nghị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp cùng Sở GTVT Hà Nội khảo sát thực địa, đưa ra phương án giải quyết sớm nhất. Như vậy Bộ trưởng Bộ GTVT đã làm gương khi đã lắng nghe dân nói, làm cho dân tin. 

Thái độ ứng xử và cách xử lý vấn đề của Bộ trưởng Bộ GTVT khiến người dân thấy ấm lòng. Và những người từng thất vọng khi những bức thư ngỏ trước kia bị rơi vào quên lãng, từng chán chường “nói làm gì, chẳng ai nghe đâu”, biết đâu bây giờ sẽ bảo nhau: Hãy cứ nói đi, nói rồi sẽ có người nghe.