Cử nhân khó xin việc, lương thấp hơn lao động nghề

ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp chia sẻ, lao động sơ cấp nghề, nhân viên kỹ thuật đang được trả lương cao hơn so với cử nhân, thạc sỹ tốt nghiệp trường dược nhưng đi môi giới, tiếp thị thuốc.

Ngày 27-12, tại chương trình đối thoại trực tuyến “Việc làm, thị trường lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập” Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đã phân tích những thuận lợi, thách thức đối với lao động Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng cần phải làm tốt công tác dự báo, hướng nghiệp

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay khoảng 55 triệu người. Mỗi năm số người trong độ tuổi lao động tăng thêm khoảng 400.000 người. Điểm sáng của thị trường lao động trong năm 2017 là chuyển dịch cơ cấu khá nhanh, tỷ lệ lao động làm trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm xuống 40,4%, tỷ lệ thất nghiệp chung giữ ở mức thấp.

Lý giải nguyên nhân, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nhưng chất lượng việc làm không được đánh giá cao, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phân tích: “Sức khỏe” của thị trường lao động được đánh giá bởi 19 tiêu chí khác nhau. Bên cạnh chỉ tiêu thất nghiệp và thiếu việc làm, chúng ta cần lưu ý tới thời gian làm việc. Điều này sẽ giúp hiểu thêm về mức độ sử dụng nguồn lao động và tăng năng suất lao động.

Cập nhật bản tin thị trường lao động quý III-2017 cho biết, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý II. Nhóm trình độ cao đẳng cũng có tỷ lệ thất nghiệp cao với 4,88% so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước chỉ 2,21%. Đáng lưu ý, lao động có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng khó tìm được việc như mong muốn, thậm chí khó xin việc và lương thấp hơn lao động sơ cấp nghề.

Bàn về giải pháp, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng: Để giải quyết căn cơ vấn đề, phải làm tốt công tác dự báo, hướng nghiệp. Những người làm công tác hướng nghiệp phải chuyên nghiệp, nắm bắt đủ thông tin của thị trường mới có thể khuyên chọn trường nào để học. Cần tổ chức hướng nghiệp nhưng không theo nhu cầu của thị trường; tránh tình trạng, trước các kỳ thi đại học, cao đẳng mới hướng nghiệp theo kiểu chọn trường nào cho dễ đỗ chứ không phải học nghề nào để ra trường có thể xin được việc làm.

Về mặt chính sách, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, tránh sa thải, duy trì việc làm ổn định cho người lao động, đào tạo nâng cấp kỹ năng hoặc trang bị kỹ năng mới cho người lao động để thích ứng với những yêu cầu mới của vị trí việc làm…