Cù Lao Dung, giọt nước khổng lồ

ANTĐ - Trong chuyến lang thang chạy xe máy vòng miền Tây Nam bộ cùng vài người bạn chung sở thích, tôi đã có dịp ghé qua một địa danh mà dân du lịch bụi, dân xê dịch ít khi nhắc đến bởi nó không nằm trên cung đường chính mà lại rẽ sang một nhánh khác di chuyển bằng phà. Địa danh ấy cũng nằm chơ vơ giữa hai dòng nước Hậu Giang, nơi đổ ra biển khiến nó càng ít được dân du lịch chú ý hơn, Cù Lao Dung.
Cù Lao Dung, giọt nước khổng lồ ảnh 1

Cù Lao Dung là huyện đảo giữa sông thuộc tỉnh Sóc Trăng, có chiều dài hơn 40km với diện tích khoảng 25.000ha. Nhìn từ trên cao, Cù Lao Dung có hình giống như giọt nước khổng lồ từ chiếc vòi mang tên Sông Hậu nhỏ vào Biển Đông ở điểm giữa hai cửa biển Định An và Trần Đề.

Trong kho tàng địa danh của Sóc Trăng xưa, Cù Lao Dung là một trong những vùng đất có nhiều tên gọi nhất như: Cù Lao Huỳnh Dung Châu, Cù Lao Hổ Châu, Cù Lao Kắc Tung, Cù Lao Vuông, Cù Lao Chằng Bè... Cù Lao Dung của ngày nay vẫn là một vùng đất bình dị, đơn sơ những bờ bao, cũng chính là những con đường nối liền nhau giữa các khu vườn, mảnh ruộng như những đường xẻ tự nhiên trên mê cung hình giọt nước. Chỉ tính riêng phần đê bao vòng ngoài đã lên đến 300km, còn bờ bao phía trong thì khó có thể tính hết được. Nếu đạp xe thong thả trên các bờ bao, khách rong chơi có thể đưa tay ngắt một chùm trái cây mà không hẳn phải dừng chân. Còn khi nước lớn, dạo bước trên đường nhỏ, bên những con rạch ngoằn ngoèo hay thong thả xuôi thuyền trên kênh mới cảm nhận được hết cái thi vị, bình dị mà hấp dẫn của đất cù lao.

Cù Lao Dung, giọt nước khổng lồ ảnh 2

Cũng chính sự bình dị, đơn sơ mà hấp dẫn ấy đã thôi thúc chúng tôi xuống phà, đến với vùng đất cù lao. Chỉ khi bước chân đã đặt lên bờ đất mới thấy mọi điều hấp hẫn còn hơn tưởng tượng. Huyện lỵ Cù Lao Dung đơn sơ chỉ có một ngã tư với không gian xung quanh không hơn một cây số vuông và thật khó để tìm thấy điều gì mang sắc màu xô bồ, bon chen của thời công nghệ. Sau bữa trưa nhanh với thực đơn gồm bánh xèo và các loại cá đặc trưng của vùng cồn: Cá bống sao kho, cá thồi lồi nướng chấm mắm chua và vài loại rau không thể nhớ tên, chúng tôi phải mất mấy vòng lượn quanh phố thị mới tìm thấy một quán cà phê võng, có thể nói đây là quán cà phê duy nhất mà chúng tôi có thể tìm ở nơi phố huyện vắng vẻ này. Quán cà phê “Nhớ” ghé mình vào gốc sung già, mượn bóng mát tán cây để phục vụ khách ngả lưng, hóng mát, nhâm nhi.

Đi dọc theo chiều dài hơn 40 cây số đất cù lao là những bè tôm, bè cá kèo xen lẫn rừng bần chạy dài theo kênh rạch. Loài cây bần sống trong bùn lầy nhưng khi mọc thành rừng lại có vẻ đẹp khác lạ, sảng khoái với một màu xanh bạt ngàn tít tắp, um tùm, từng khiến vua Gia Long xúc động mà đặt cho bần một cái tên đẹp đẽ, nên thơ là “cây Thúy Liễu”. Những rặng bần đã bám chặt vào đất, lấn biển giữ đất, che chở cho vùng đất này trước bão gió biển khơi và mang lại cuộc sống ngày càng no ấm cho cư dân nơi đây.

Giữa không gian bình dị, đơn sơ, cuộc sống của người dân đất cù lao gắn với cây bần, cây dừa, hoa trái và những dòng kênh đỏ nặng phù sa, giàu nguồn tôm cá. Người dân xứ cù lao vô cùng hiếu khách. Dừng chân trước mỗi ngôi nhà, ai ai cũng nhận được những lời mời giản dị, dù chỉ là một ly trà hay đôi khi là tiện tay với lên tán cây trước trái hiên đang trĩu quả. Đặc sản luôn có trong mọi vườn nhà. Đó có thể là một ly nước dừa ngọt mát hay một trái cam, chùm nhãn, đôi khi lại là một bát chè thanh mát làm từ trái dừa nước, loài cây vốn mọc đầy bên những bờ kênh, con rạch ở xứ này. Chính những điều giản dị, đơn sơ ấy níu bước chân du khách chẳng muốn rời đi!