Cụ Bùi Bằng Đoàn - vị quan đức độ, thanh liêm, treo biển "không nhận quà biếu"

ANTD.VN - Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh năm 1889 (Kỷ Sửu) trong một gia đình nho học tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ). Đỗ Cử nhân dưới triều vua Thành Thái, năm 1933 cụ đã giữ chức Nam triều Tư pháp Bộ Thượng thư, nổi tiếng đức độ, thanh liêm, chính trực, chăm dân. Cách mạng tháng Tám thành công, cụ đã nhận lời mời của Hồ Chủ tịch ra nhậm chức Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ. Tổng tuyển cử 6-1-1946, cụ trúng cử ĐBQH và sau đó được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ đã lên Việt Bắc, sát cánh cùng Hồ Chủ tịch trong những thời điểm khó khăn nhất. Cuộc đời của cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương tận tụy, vì nước vì dân... 

Không nhận quà biếu và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu

Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, chứng kiến phong trào Cần vương kháng Pháp thất bại, các phong trào đấu tranh yêu nước lần lượt bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố đẫm máu, nhân dân ta lâm vào cảnh nô lệ, lầm than, chí sĩ Bùi Bằng Đoàn đã sớm tiếp thu truyền thống bất khuất của dân tộc. Với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, từ lúc còn là một vị quan triều Nguyễn cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn. Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Là người ham học, có tri thức uyên bác, năm 1906 cụ Bùi Bằng Đoàn (khi đó mới 17 tuổi) đã đỗ Cử nhân. Sau đó, cụ được nhận vào học và tốt nghiệp Thủ khoa trường Hậu bổ. Làm quan trong triều đình Huế, từ lúc còn là tri huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), đến Án sát tỉnh Lạng Sơn; Án sát tỉnh Bắc Ninh; Bố chánh tỉnh Phúc Yên, rồi Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, tỉnh Ninh Bình... ngay trên công đường cụ cho treo bảng công khai “không nhận quà biếu” cũng như nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu. Điều này thể hiện rõ phẩm chất “liêm chính” của một bậc danh Nho chân chính.

Đối với nhân dân, bất luận trong hoàn cảnh nào cụ cũng đứng về phía họ và hết lòng bảo vệ. Khi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), cụ là người đề xuất và tổ chức đắp đê Bạch Long để ngăn nước mặn, tạo ra một vùng đất đai rộng lớn, màu mỡ cho nhân dân trồng lúa, trồng dâu. Ghi nhận công đức to lớn của cụ, nhân dân địa phương đã tổ chức lễ tế sống vị “Phụ mẫu chi dân” ngay tại nơi cụ về nhậm chức và làm việc.

Cụ Bùi Bằng Đoàn - vị quan đức độ, thanh liêm, treo biển "không nhận quà biếu" ảnh 1Cụ Bùi Bằng Đoàn

Chung tay kiến thiết đất nước

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ mới. Chán ghét cảnh quan trường, cụ Bùi Bằng Đoàn xin từ quan về quê nghỉ ngơi. Tuy nhiên, Chính phủ Nam triều đã nhất quyết không chấp nhận và giao cho cụ giữ chức Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Trong thời gian đó, Mặt trận Việt Minh đã liên hệ và mời cụ làm Hội trưởng Hội Bảo vệ tù chính trị. Sau Cách mạng tháng Tám, Bảo Đại thoái vị, cụ Bùi Bằng Đoàn lui về sống ở quê nhà. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập trong điều kiện muôn vàn khó khăn bởi sự chống phá của thù trong, giặc ngoài.

Với tinh thần đoàn kết dân tộc và tìm người tài đức phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi tham gia làm Cố vấn cho Chính phủ. Trong bức thư đề ngày 17-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi tài đức ít ỏi và trách nhiệm nặng nề, thấy ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc”.

Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cụ Bùi Bằng Đoàn lại rời quê theo con đường cách mạng. Với tài năng, đức độ và tri thức uyên bác của mình, cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều công việc và chức vụ quan trọng. Cụ đã trở thành một trong 10 người nằm trong Ban Cố vấn của Chính phủ mà Hồ Chí Minh đích thân đề nghị trong phiên họp của Chính phủ ngày 14-11-1945.

Trong những ngày đầu thành lập, để bộ máy chính quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt (tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam ngày nay). Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban để bảo đảm sự lãnh đạo của cơ quan có chức năng, quyền hạn rất lớn trong Chính phủ. Đây là sự lựa chọn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cụ Bùi Bằng Đoàn, đồng thời thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, trọng dụng nhân tài trong việc huy động nhân sĩ, trí thức tham gia công cuộc kiến thiết đất nước. Tuy thời gian hoạt động không dài, nhưng Ban Thanh tra đặc biệt dưới sự chỉ đạo của cụ Bùi Bằng Đoàn đã triển khai và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, mang lại uy tín cho Đảng, Chính phủ, sự tin tưởng của nhân dân đối với chính quyền cách mạng. 

Vào tháng 1-1946, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm ĐBQH của tỉnh Hà Đông. Tháng 11 năm đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ được tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng Ban thường trực Quốc hội, thay cụ Nguyễn Văn Tố đi nhận nhiệm vụ mới.

Trong thời gian là người đứng đầu cơ quan lập pháp, với sự hiểu biết sâu rộng cả về lý luận và thực tiễn, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó. Cụ đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Bằng kiến thức uyên bác và bản lĩnh chính trị vững vàng, cụ đã khẳng định: “Quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do quốc dân công nhận tại Kỳ họp tháng 11-1946”. 

Cụ Bùi Bằng Đoàn - vị quan đức độ, thanh liêm, treo biển "không nhận quà biếu" ảnh 2Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (ngoài cùng bên phải) năm 1948 ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên

Đặt Tổ quốc lên trên tất cả

Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc, trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, góp ý kiến và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ, thực hiện các chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất, chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến. Cụ cũng đã tham gia Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên - Việt) để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường lực lượng cách mạng. 

Xuất phát từ tâm nguyện đặt Tổ quốc lên trên tất cả, với tinh thần “dĩ công vi thượng”, cụ Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc để tham gia chính quyền cách mạng. Bằng tấm lòng nhiệt thành yêu nước, thương dân, cụ đã đem hết sức lực, tài năng phụng sự Tổ quốc và dân tộc. Trong những năm tháng khó khăn, ác liệt của cách mạng Việt Nam, cụ không quản ngại hy sinh, sẵn sàng đảm trách các chức vụ quan trọng. Trên bất cứ cương vị nào cũng tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Cụ Bùi Bằng Đoàn chính là tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tinh thần làm việc tận tụy, sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của cụ là tấm gương sáng để các cán bộ, Đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập.