CSGT có quyền trưng dụng phương tiện của người dân theo quy định của pháp luật

ANTĐ -Thông tư 01 của Bộ Công an chính chức có hiệu lực từ ngày 15-2-2016. Thông tư này nhằm thay thế cho Thông tư số 65 được Bộ Công an ban hành trước đó.

Thông tư 01 gồm 3 chương, 19 điều quy định cụ thể, chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT. Một trong những nội dung quan trọng tại khoản 6 điều 5 quy định “CSGT được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.

Trước đó, ngày 4-2, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đã ký Công văn số 525/C67-P9 gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải thích rõ nội dung trên trong việc thực hiện Thông tư 01. Nội dung Công văn thể hiện rõ: "Riêng lực lượng CSGT chỉ được thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an".

Ngoài ra, quá trình thực thi nhiệm vụ trong tình huống cấp bách, cần thiết..., CSGT có thể thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc và người sử dụng, người điều khiển phương tiện đó.

Thông tư 01 không đi ngược lại những văn bản pháp luật hiện hành. Cụ thể, khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân, quy định Công an nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: "Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra".

CSGT có quyền trưng dụng phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm phục vụ công tác đảm bảo ANCT, TTATXH... theo quy định

Còn tại Khoản 18 Điều 2 Nghị định số 106/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an cũng quy định: "Trong trường hợp cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, được huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển sử dụng phương tiện đó; Trong tình huống có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an theo quy định của pháp luật".

Còn tại Điều 13 Luật Công an nhân dân và Điều 30 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; khi xảy ra tai nạn giao thông phải dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn; người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.

"Như vậy, quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư số 01 của Bộ Công an không trái với các quy định của pháp luật mà chỉ nhắc lại quyền hạn của lực lượng Công an. Tuy nhiên, việc trưng dụng phương tiện phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 (điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục...). Riêng lực lượng CSGT chỉ được thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an" – Phó cục Trưởng Cục CSGT nêu rõ.