Cống hóa mương sông không thể là giải pháp phát triển hạ tầng

ANTD.VN - Chẳng lẽ việc xử lý ô nhiễm sông hồ là phức tạp thì giải pháp tối ưu là lấp nó đi để thay bằng cống? 

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 8-7 của kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Đại biểu Dương Đức Tuấn (Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm) đã đề xuất ý kiến là có thể xem xét khả năng cống hoá đối với một số sông có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu…

Theo ông Tuấn, điều này sẽ giảm thiểu việc xả thải, góp phần tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông.

Ông Bí thư Quận ủy vốn là Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cũng nhận xét rằng, vừa qua thành phố đã tìm những giải pháp mới để xử lý ô nhiễm sông hồ là dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, với thực trạng của hệ thống sông hồ trong các quận nội thành hiện nay, thì việc xử lý ô nhiễm sông hồ vô cùng phức tạp.

Hà Nội đang tìm nhiều giải pháp để làm sống lại sông Tô Lịch 

Không khó để hình dung ra viễn cảnh Thủ đô ngột ngạt hơn đến mức nào khi 2 con sông thoát nước tự nhiên lớn nhất Hà Nội hiện nay biến mất để thay bằng những cống bê tông.

Chẳng lẽ việc xử lý ô nhiễm sông hồ là phức tạp thì giải pháp tối ưu là lấp nó đi để thay bằng cống?

Trên thực tế, hai con sông Tô Lịch và Kim Ngưu từ chức năng thoát nước tự nhiên đã trở thành hệ thống cống tiêu thoát nước thải chính của Thủ đô.

Đã từng có nhiều ý tưởng làm sạch các sông này bằng cách kết nối với sông Hồng, với hồ Tây, và gần đây nhất là sử dụng công nghệ từ Nhật Bản để làm giảm ô nhiễm.

Giải pháp triệt để nhất chỉ là bịt hơn 280 cống thải trên toàn bộ 14km chiều dài của sông Tô Lịch, và nước mưa tự nhiên của 1 mùa hè sẽ làm nốt phần việc thau rửa còn lại.

Phương án đó vô cùng khó khăn, khi hàng loạt những vấn đề của phát triển và quy hoạch đô thị sau rất nhiều năm không được tuân thủ như cốt nền xây dựng, kiểm soát ô nhiễm…

Tuy nhiên muốn xử lý từ gốc, phải thực hiện quy hoạch nghiêm túc, không để phát triển dân số quá mức trong nội đô, xây dựng các trạm xử lý nước sinh hoạt trước khi đổ ra sông, hồ.

Sông Cheonggyecheon ở Thủ đô Seoul - Hàn Quốc từng bị lấp để làm đường cao tốc

Cống hóa mương sông không thể coi là giải pháp phát triển hạ tầng. Cống hóa mương sông cũng chẳng có căn cứ nào để làm giảm việc xả thải.

Hiện nay, chủ đầu tư ở nhiều khu đô thị còn phải “cắn răng” dành những diện tích “đất vàng” để đào hồ, làm sông nhân tạo nhằm thu hút cư dân, tạo cảnh quan môi trường và hướng tới phát triển bền vững, thì ý tưởng “cống hóa” các con sông thoát nước chính của Thủ đô chỉ để giành giật thêm chút ít không gian là đi ngược với xu thế phát triển.

Lưu lượng thoát nước của các con sông, kênh, mương hở luôn lớn hơn rất nhiều so với khi đem nén chúng lại trong các cống bê tông.

Sông Cheonggyecheon sau khi được phục hồi

Năm 1950, Hàn Quốc đã từng lấp sông Cheonggyecheon ở giữa Thủ đô Seoul để làm đường cao tốc trong nỗ lực phát triển đô thị. 50 năm sau, họ đã phải bỏ ra hơn 900 triệu USD để trả lại dòng sông.

Dự án khơi lại dòng sông này đã giúp Seoul phát triển thành một thành phố nhân văn và thân thiện với môi trường.

Đây được xem là một thành công lớn trong nỗ lực cải tạo và củng cố mỹ quan đô thị của Seoul thời công nghiệp hóa, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội cho Thủ đô của Hàn Quốc.

Kinh nghiệm này, chúng ta chỉ cần học thôi là đủ!