Công dân Việt Nam xuất cảnh phải gìn giữ văn hóa, bản sắc

ANTD.VN -   “Công dân Việt Nam khi xuất nhập cảnh ra nước ngoài, họ không chỉ tuân thủ luật pháp nước sở tại mà phải gìn giữ văn hóa, bản sắc người Việt Nam, có trách nhiệm tuyên truyền giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam”…

Đại biểu Quốc Hội, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ vào chiều nay 28-5

Đó là quan điểm của Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) tại phiên thảo luận tổ vào chiều nay 28-5 về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật cần và nên nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi xuất nhập cảnh ra nước ngoài. Họ không chỉ tuân thủ luật pháp nước sở tại mà phải gìn giữ văn hóa, bản sắc người Việt Nam, có trách nhiệm tuyên truyền giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam không phải cứ đi ra nước ngoài muốn mặc quần soóc, quần đùi… làm hoen ố hình ảnh con người Việt Nam.

“Trường hợp vừa qua như Đoàn Thị Hương (bị Tòa án Malaysia tuyên án 3 năm 4 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích bằng hung khí hoặc cách thức nguy hiểm, song được xét giảm án trước thời hạn – PV) khi trở về Việt Nam đã ứng xử như một “ngôi sao” thì trách nhiệm của công dân này ra sao?  Phải xử lý như thế nào?”, ĐB Hưng nêu câu hỏi.

Theo ĐB Hưng, “Dự án Luật phải làm rõ vấn đề này; đồng thời phải nêu trách nhiệm, quyền hạn đầy đủ của các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng... ”.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội (Đoàn Hà Nội) cho rằng việc xây dựng dự án Luật Xuất nhập cảnh công dân Việt Nam nhằm giúp lực lượng Công an thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính đối với người dân.

Đối với khoản, 6 Điều 28 của dự án Luật quy định tạm hoãn xuất cảnh vì lý do dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm, Tờ trình nêu hai loại ý kiến: Không nên đề nghị không nên quy định trong Luật (phương án 2) và đề nghị quy định trong Luật (phương án 1).

Đại biểu Đào Thanh Hải đồng tình với phương án 1, và cho rằng quy định này cần quy định cụ thể hóa trong Luật để thực hiện đúng.