Công chức bỏ việc, mừng hay lo?

(ANTĐ) - Tình trạng cán bộ, công chức bỏ việc đi làm “ngoài” đã trở thành đề tài thảo luận trong một phiên họp vừa qua của ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đầu năm 2007, tại các cơ quan Nhà nước bắt đầu xuất hiện hiện tượng nhiều công chức đồng loạt xin nghỉ việc. Riêng TP Hồ Chí Minh, số lượng cán bộ, công chức bỏ việc lên tới gần 6.500 người. Điều này cho thấy, đây không còn là hiện tượng cá biệt.

Công chức bỏ việc, mừng hay lo?

(ANTĐ) - Tình trạng cán bộ, công chức bỏ việc đi làm “ngoài” đã trở thành đề tài thảo luận trong một phiên họp vừa qua của ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đầu năm 2007, tại các cơ quan Nhà nước bắt đầu xuất hiện hiện tượng nhiều công chức đồng loạt xin nghỉ việc. Riêng TP Hồ Chí Minh, số lượng cán bộ, công chức bỏ việc lên tới gần 6.500 người. Điều này cho thấy, đây không còn là hiện tượng cá biệt.

Nhiều người xem hiện tượng công chức bỏ việc là chuyện đáng báo động trong việc chảy máu chất xám, mất người tài ở các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn vấn đề này dưới một góc độ khác.

Công chức bỏ việc phải chăng đó là lao động đã theo kịp cơ chế thị trường, xóa bỏ quan niệm cố hữu từ trước đến nay là phải tìm một chỗ làm việc ổn định lâu dài hoặc phải có chân trong biên chế Nhà nước?

Phải chăng những công chức rời bỏ vị trí của mình là bởi họ đã tìm thấy môi trường mà họ có thể phát huy khả năng sáng tạo nhiều hơn; thậm chí trong một số trường hợp còn là một môi trường công bằng hơn, bớt trì trệ hơn? Trên thực tế, đã có công chức nói thẳng lý do thôi việc ra làm “ngoài” của mình là bởi họ không thể chịu nổi cảnh đến cơ quan chỉ để tán gẫu và uống nước chè suốt “8 giờ vàng ngọc”.

Có công chức bộc bạch rằng cái khổ nhất là hàng tháng nhận lương nhưng “thất nghiệp” vì việc làm của họ không được ghi nhận, hoặc làm việc theo mệnh lệnh, nhiệm vụ phân công không rõ ràng, gây ức chế...

Thực tế là đa số những công chức bỏ việc ra làm ngoài đều là những người có năng lực thực sự. ở một góc độ nào đó, chúng ta nên tự hào vì chất lượng công chức của ta có tốt thì mới được người sử dụng lao động chào mời với mức lương cao.

Không phải ai cũng đủ dũng cảm rời công sở “bình yên” của Nhà nước để đương đầu với những thử thách mới, để được làm việc dù với cường độ cao hơn nhưng với mức lương xứng đáng hơn, đúng với công sức, trình độ, và môi trường làm việc tốt hơn.

Những thay đổi này là một bước tiến trong quá trình phát triển và đi lên của đất nước. Đứng trên bình diện xã hội, nếu họ ở nơi công tác mới làm việc hiệu quả hơn thì sẽ mang lại của cải vật chất và có lợi cho xã hội nhiều hơn.

Hiện tượng này cũng là dịp để các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước hay các công ty cổ phần hóa một cách nửa vời phải thay đổi căn bản cách nghĩ, cách làm, coi đây là một cơ hội tốt để nhìn lại mình, làm mới mình.

Anh Thư