Công bố 3 Luật quan trọng

ANTD.VN - Sáng nay (12-12), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước Công bố 3 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV gồm Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư và Luật đấu giá tài sản.

Cấm kinh doanh pháo nổ

Về Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, ngoài việc bổ sung ngành “kinh doanh pháo nổ” là ngành cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư, Luật này đã bãi bỏ 20 ngành nghề không phù hợp tiêu chí và mục đích quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có thể quản lý bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc các ngành nghề đã qua rà soát được xác định không phải ngành nghề kinh doanh như kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm, kinh doanh dịch vụ tổ chức lễ hội, dịch vụ tổ chức dạy thêm, học thêm…

Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn công bố

Lệnh của Chủ tịch nước

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Luật cũng bổ sung 15 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phù hợp tiêu chí, mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư, đồng thời đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh như: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn…

Ngoài ra, Luật còn hệ thống hóa, tách, hợp nhất một số ngành, nghề có cùng tính chất, mục tiêu nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý Nhà nước, đồng thời sửa đổi tên một số ngành, nghề để phản ánh đầy đủ, chính xác điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề đó nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo đó, 67 ngành nghề được sửa đổi, tách, hợp nhất thành 48 ngành.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017 trừ quy định về 2 ngành nghề  đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực từ 1-7-2017 (kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô).

Nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo để trục lợi

Theo Luật đấu giá tài sản, tài sản bán đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn thông qua bán đấu giá. Luật cũng quy định các nguyên tắc bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia, người mua được tài sản đấu giá… Trong luật này, những hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia, người trúng đấu giá…cũng được quy định khá chi tiết.

Đặc biệt, Luật Đấu giá tài sản quy định, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng chỉ được đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà tổ chức đã mua. Luật cũng quy định rõ ràng, rành mạch hơn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, gián tiếp, bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thông đồng móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá… Luật có hiệu lực từ 1-7-2017 (trừ quy định tại khoản 4 điều 80 có hiệu lực từ 1-1-2017).

Cũng được công bố sáng 12-12, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có hiệu lực từ 1-1-2018 nêu rõ, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi. Người đại diện hoặc thành viên Ban quản lý (BQL) cơ sở tín ngưỡng phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, một trong những điểm mới nổi bật của Luật này là giảm các quy định xin cho, bổ sung các quy định thông báo như: Thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc, thuyên chuyển chức sắc… Việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hàng năm của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo chỉ thực hiện một lần.

Luật còn quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ dân tộc.