Công bố 13 luật

ANTĐ - Hôm qua, 16-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố 13 luật, bộ luật và 2 nghị quyết vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3. Trong đó, Luật Biển Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2013.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn giới thiệu về Luật Biển Việt Nam

Cụ thể, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật Lao động; Luật Giá; Luật Công đoàn; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước; Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân; Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo Bộ luật Lao động, có hiệu lực thi hành từ 1-5-2013, người lao động sẽ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong Tết Âm lịch 5 ngày (quy định hiện hành là 4 ngày). Cũng theo quy định mới, thời giờ làm thêm tối đa của người lao động được giữ như hiện hành là không quá 200 giờ/năm. Với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, số giờ làm thêm được đẩy lên nhưng cũng không quá 300 giờ/năm. Đặc biệt, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 4 tháng. Liên quan tới tuổi nghỉ hưu, Bộ luật quy định, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, song người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn không quá 5 năm, theo quy định của Chính phủ.

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương và 55 điều và có hiệu lực từ  1-1-2013. Điều 1 về Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. 

Đáng chú ý, trong chương II, Luật Biển Việt Nam quy định về Vùng biển Việt Nam gồm 14 điều quy định về chế độ pháp lý của các vùng biển của Việt Nam, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của đảo. Cụ thể, Nhà nước Việt Nam thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Thềm lục địa của Việt Nam là phần đáy biển, lòng đất dưới đáy biển rộng tối thiểu 200 hải lý kể từ đường cơ sở và có thể mở rộng đến 350 hải lý theo các điều kiện và thủ tục Công ước Luật Biển năm 1982 quy định. 

Ngoài ra, Luật Biển Việt Nam cũng quy định các lực lượng có thẩm quyền tuần tra, kiểm soát trên biển gồm: các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác. Các lực lượng này hoạt động theo nhiệm vụ được quy định cụ thể trong luật pháp Việt Nam và được trang bị cờ, sắc phục, phù hiệu có dấu hiệu đặc trưng. “Theo Luật Biển Việt Nam, mọi cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển” - ông Bùi Thanh Sơn nêu rõ.  

Ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp trên biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.