Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2019)

Con nuôi của đồn biên phòng và những tấm lòng nơi biên cương Tổ quốc

ANTD.VN - Họ - những người lính biên phòng để lại sau lưng mình gia đình để đi giữ biên cương, dồn gánh nặng chăm sóc con cái lên vai người vợ, người mẹ trong nhà, nhưng họ lại sẵn sàng nhận những đứa trẻ con em các dân tộc nơi biên giới là “con nuôi” để chăm sóc, nâng bước các em trong cuộc sống. 

Chiến sỹ bộ đội biên phòng Điện Biên hướng dẫn kèm cặp con nuôi của đồn học bài tại đơn vị

27 tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã và đang triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, đây là bước tiếp nối của chương trình “Nâng bước em đến trường” từng được lực lượng Bộ đội biên phòng thực hiện trong suốt 4 năm qua...

Đổi thay những số phận con người

Thiếu vắng sự đùm bọc, yêu thương của cả cha lẫn mẹ, 3 chị em là Vàng Thị Chá, Vàng Thị Sáu và Vàng Thị Chở (dân tộc Mông) ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang may mắn được trở thành con nuôi của Đồn biên phòng Phó Bảng (BĐBP tỉnh Hà Giang). Năm 2014, sau nhiều ngày chống chọi với bệnh tật, cha các em - anh Vàng Mí Na từ giã cõi đời. Không lâu sau ngày bố mất, chị em Chá nhận thêm một một cú sốc nữa khi người mẹ bỏ sang Trung Quốc lấy chồng. 

Thương các cháu côi cút, người bác ruột là ông Vàng Mí Chờ đã đón 3 chị em về nuôi. Gia đình ông Chờ thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi 2 con nhỏ và mẹ già nên cuộc sống vô cùng cơ cực. Chứng kiến hoàn cảnh đặc biệt của 3 cháu nhỏ, các cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Phó Bảng đã đề nghị ông Chờ cho 3 cháu về đồn chăm sóc. Và người đàn ông ấy đã rớt nước mắt cảm ơn tấm chân tình của những người lính. 

Còn ở Đồn biên phòng Mường La (BĐBP tỉnh Sơn La), ngay từ thời điểm năm 2016, Trung tá Phạm Thái Hòa, Đồn trưởng Đồn biên phòng đã đã cho cải tạo một căn nhà của đồn thành phòng ở với tên gọi “Mái ấm nâng bước em tới trường” và bắt đầu nhận các cháu có hoàn cảnh khó khăn về nuôi. Lúc đầu, đồn nhận nuôi 5 cháu, nay còn 3 vì 2 cháu lớn đều được học ở trường dân tộc nội trú của tỉnh và huyện. Trong số những đứa trẻ này, đáng thương nhất là Giàng Bả Hợ mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi chưa được 1 tuổi. Từ 5 đứa trẻ với hoàn cảnh khác nhau, giờ 3 đứa sống trong một mái nhà như anh em ruột. Sáng dậy các em tự vệ sinh cá nhân, tập thể dục và gấp chăn màn nhanh, đẹp như các chú bộ đội, tự tin trong giao tiếp và học tập...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Xát, BĐBP Lào Cai trao đổi với gia đình chị Thào Thị Liên (bản Qua, xã Bản Qua, huyện Bát Xát) về các thủ tục nhận nuôi cháu Thào Duy Dũng 11 tuổi mồ côi bố

Cuộc sống của những đứa trẻ thiệt thòi

Qua nắm bắt tình hình tại các địa bàn biên giới còn rất nhiều cháu nhỏ mồ côi hoặc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ thất học, cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhiều gia đình mong muốn con, cháu mình được các đơn vị bộ đội biên phòng chăm lo, giúp đỡ. 

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Tứ - Đồn trưởng Đồn biên phòng Trịnh Tường (BĐBP tỉnh Lào Cai) cho biết, mới 6 tuổi nhưng bé Tẩn Chí Dũng rất nhanh nhẹn và thông minh.  Hoàn cảnh Dũng cũng tội, bố mất trong vụ tai nạn cuối năm 2018, mẹ không công ăn việc làm, lại phải cáng đáng thêm ông bà ngoại và em gái nhỏ 3 tuổi, trong khi gia đình Dũng thuộc diện gia đình người có công. Hoàn cảnh như vậy nên gia đình em rất vui mừng, yên tâm khi Dũng được Đồn biên phòng Trịnh Tường nhận về làm “con nuôi”, có điều kiện học tập và phát triển tương lai sau này.

Những đứa trẻ này chỉ là số ít trong số 318 cháu đang được 136 đồn biên phòng thuộc 27 Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố nhận nuôi qua 4 tháng triển khai chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”. Tất cả các cháu đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhiều cháu ăn chưa đủ no, áo chưa đủ mặc, còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu đồ dùng học tập, ít nhận được sự quan tâm chăm sóc của gia đình, người thân. Nhiều cháu mồ côi không có nhà ở hoặc ở nhà dột nát, các cháu phải tham gia lao động sớm để kiếm sống, có cháu chưa nói sõi tiếng phổ thông, ít được tham gia các hoạt động cộng đồng nên tự ti, thiếu kỹ năng và còn nhút nhát. Nhiều cháu đã đi học nhưng lại bỏ dở giữa chừng, nhiều cháu gia đình ở cách xa trường học, đường sá đi lại khó khăn, từ nhà đến trường hết vài tiếng đi bộ.

Tất cả “Con nuôi Đồn Biên phòng” đều được bố trí nơi ngủ và góc học tập phù hợp tình hình đơn vị, mặc trên mình những bộ đồng phục học sinh do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức may thống nhất và cấp phát theo số đo của từng cháu. Những thứ nhỏ xíu như bút, sách vở hay lớn hơn là xe đạp đều được các “ông bố Bộ đội biên phòng” chuẩn bị đầy đủ cho các con để đi học. Với những ngôi trường xa, các con được đưa đón tận nơi. Tối về, những bài học khó lại được các “bố” giảng giải cặn kẽ. Những đứa con của đồn biên phòng không những được chỉ bảo, kèm cặp trong sinh hoạt, hướng dẫn luyện tập nâng cao thể lực, mà còn được hướng dẫn làm quen với hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, tăng gia để hình thành ý thức tự lập và yêu lao động. Các cháu được tham gia hoạt động tập thể để bồi dưỡng kỹ năng, giúp các cháu thêm tự tin khi tham gia các hoạt động cộng đồng. 

Như những người cha, người mẹ thực sự, các đồn biên phòng cũng cử cán bộ giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường nơi các cháu theo học để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện, ý thức, trách nhiệm của các cháu đối với tập thể lớp, nhà trường, gia đình và cộng đồng để kịp thời động viên khuyến khích những việc làm tích cực, những kết quả, thành tích tiêu biểu; đồng thời phát hiện, uốn nắn những việc làm chưa đúng, biểu hiện sai trái, lệch lạc, giúp các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.   

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng thông tin, mới chỉ qua 4 tháng triển khai mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, kết quả ban đầu đạt được hết sức khả quan, các cháu đã bước đầu có những thay đổi, tiến bộ rõ rệt. Thể lực của các cháu được cải thiện đáng kể. Các cháu được sống trong môi trường quân đội, tham gia thực hiện các chế độ, nền nếp, chính quy, được các chú bộ đội kèm cặp, hướng dẫn, dạy bảo hàng ngày nên nhận thức và ý thức chấp hành kỷ luật, các quy định của nhà trường, đơn vị và địa phương được nâng lên. Bước đầu hình thành và phát triển nhận thức về trách nhiệm đối với tập thể, với cộng đồng và xã hội.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai chuẩn bị quần áo cho các cháu bước vào một ngày học tập mới

Sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

“Đây là một việc làm có ý nghĩa hết sức nhân văn, thể hiện sự tri ân sâu sắc của Bộ đội biên phòng với đồng bào các dân tộc nơi biên giới và cũng là bước khởi đầu của việc đặt nền, xây móng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ tại chỗ cho các địa phương, từng bước xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh mà Bộ đội biên phòng đã và đang làm” - Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy Bộ đội biên phòng khẳng định. 

Bộ đội biên phòng Việt Nam được thành lập vào năm 1959. Qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Bộ đội biên phòng nhất là các đồn biên phòng luôn được đồng bào các dân tộc khu vực biên giới tin yêu, giúp đỡ. Đồng bào coi cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng như những người con của bản, làng biên giới. Giờ đây con của đồng bào lại trở thành “Con nuôi đồn biên phòng”, mối quan hệ gắn bó máu thịt ấy chính là minh chứng sinh động cho phương châm “Đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” của bộ đội biên phòng, đó cũng là hình ảnh sáng ngời của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. 

Việc các cháu nhỏ được nuôi dưỡng và lớn lên tại các đồn biên phòng bước đầu đã khiến cho các cháu có tình cảm yêu mến các chú Bộ đội biên phòng, hiểu phần nào nhiệm vụ của các chú, nhen nhóm tình yêu biên giới, tình yêu quê hương, đất nước. Nhiều cháu có nguyện vọng sau này trở thành Bộ đội biên phòng để cùng các “bố” bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Mỗi người cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ đặc biệt này đều có niềm tin sâu sắc rằng, việc nuôi dưỡng các cháu tại các đồn biên phòng cũng chính là việc chăm lo, đào tạo thế hệ kế tiếp, tiếp bước cha anh nơi tuyến đầu Tổ quốc và đây cũng chính là việc làm “Ươm mầm bảo vệ biên cương”.