Còn nhiều việc dở dang

ANTĐ - Khi đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP năm 2014, cả ba tổ chức Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á đều thận trọng cho rằng chỉ quanh mốc 5,4-5,5%. Còn Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế quốc gia đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP vào khoảng 5,67% cao nhất trong 3 năm gần đây nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 5,8% mà Quốc hội đề ra. Mặc dù được nhận định rằng nhiều yếu tố vĩ mô trong năm tới sẽ khởi sắc hơn năm 2013, nhưng các tổ chức trên đều nhấn mạnh đến những yếu tố rủi ro và điểm nghẽn, trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá.

Nhìn lại năm 2013, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng đã hoàn thành nhiều việc lớn trong điều hành chính sách, nhưng còn một số mục tiêu chưa đạt được như tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 8,83% thay vì mục tiêu 12%; giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng chậm trễ. Lý giải về việc tín dụng tăng trưởng chậm, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các năm trước tăng trưởng tín dụng của tháng cuối năm thường đạt 3%, nhưng năm nay, đến giữa tháng 12, tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,83%, dự báo hết tháng này chỉ đạt trên 9%. Tăng trưởng thấp vì nhu cầu vốn của nền kinh tế thấp, khả năng hấp thụ và cơ hội kinh doanh thấp, sự lắng đọng của một số thị trường, nhất là bất động sản. Một trong những nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm, theo giải thích là do việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng quá chậm. Sau 6 tháng triển khai, các ngân hàng mới giải ngân được 2% tổng hạn mức.

Ông Phó Thống đốc phân tích, cứ nghĩ rằng có tiền tung ra là có thể cho vay được, do nhu cầu của những người mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Song thực tế, nguồn cung trên thị trường lại có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên cũng phải ghi nhận một số điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh ngành ngân hàng. Về chính sách vàng, tỷ giá, lãi suất Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra và theo đuổi mặc dù đã có những phản ứng dư luận gay gắt. Đến nay, sự điều hành đồng bộ vàng, tỷ giá, lãi suất đã đạt được mục tiêu bình ổn, hệ thống ngân hàng dư thừa thanh khoản. Điểm sáng nữa là nợ xấu đã từng bước được xử lý và kiểm soát. Ước tính tổng nợ xấu đã được xử lý trong năm 2012 và 10 tháng năm 2013 đạt 105.900 tỷ đồng. Tổng nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ cũng đạt tới 316.800 tỷ đồng. Điều này góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý. Trong bối cảnh một năm kinh tế trì trệ, doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, nợ nần, ngành ngân hàng đã kiên định “cầm cương” chính sách tiền tệ. Dù vậy, bước sang năm 2014 vẫn ngổn ngang, bề bộn nhiều việc phải giải quyết.

Ngoài việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất, một loạt việc dở dang cần phải làm đến nơi đến chốn như nợ xấu, sở hữu chéo. Đặc biệt, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng vẫn “đóng băng”, đến mức dư luận phải đặt câu hỏi có nên dừng lại hay không?