Còn nhiều tranh cãi quanh Dự thảo Bộ luật Lao động

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), xin ý kiến nhân dân, các bộ, ngành và chuyên gia để trình Quốc hội. Bên cạnh những nội dung mới được ủng hộ, dự thảo lần này vẫn có nhiều điểm khiến dư luận băn khoăn, cho rằng chưa hợp lý.

Tại tờ trình gửi Chính phủ dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, qua tổng kết 5 năm thi hành, doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc áp dụng các điều luật trong Bộ luật Lao động. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ luật Lao động cần sớm được sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, làm thêm giờ, tuyển dụng và quản lý lao động nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn cho doanh nghiệp về lao động để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh. Trước đòi hỏi của thực tiễn, Bộ luật Lao động cần được sửa đổi toàn diện để đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Còn nhiều tranh cãi quanh Dự thảo Bộ luật Lao động ảnh 1Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi nhiều quy định liên quan đến thời gian làm việc của người lao động

6 nội dung cần xin ý kiến

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều. Trong quá trình soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các nội dung sửa đổi nhận được sự đồng thuận của đa số bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan. 

Tuy nhiên, đến nay còn 6 vấn đề lớn đang nhận được sự quan tâm, cần thảo luận sâu sắc hơn gồm: Thứ nhất là mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa. Sau khi tham khảo kinh nghiệm của các nước và nhu cầu của người lao động, chủ doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt lên 400 giờ/năm thay vì 300 giờ/năm như hiện nay. 

Thứ hai là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu: Tại tờ trình dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án điều chỉnh: Phương án 1 là từ ngày 1-1-2021, tăng tuổi nghỉ hưu thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2 là từ ngày 1-1-2021, tăng tuổi nghỉ hưu thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến đề xuất chọn phương án 1. 

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm, tuy nhiên, phương án 1 là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết mục tiêu chung là tiến tới quy định tuổi nghỉ hưu nam - nữ bằng nhau nhưng trước mắt là lộ trình thu hẹp tuổi hưu nam nữ để tránh tác động tiêu cực khi điều chỉnh quá nhiều tuổi nghỉ hưu. 

Thứ ba, bổ sung quy định về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở  để bảo đảm tuân thủ các quy định của quốc tế, dự thảo có 3 điều quy định 3 nội dung lớn về quyền của người lao động trong thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; điều kiện với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức và tôn chỉ, mục đích, điều lệ của tổ chức. Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể các nội dung trên bằng Nghị định.

Thứ tư, về thời gian nghỉ Tết Âm lịch, ngoài phương án giữ nguyên như hiện hành là người lao động được nghỉ 5 ngày, nếu ngày nghỉ Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào tuần kế tiếp, Bộ LĐ-TB&XH bổ sung phương án nữa là nghỉ 5 ngày, nếu trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động không được nghỉ bù.

Thứ năm, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7 Dương lịch) để nhân dân, người lao động dành thời gian tham gia, tổ chức các hoạt động thiết thực tri ân các anh hùng, liệt sỹ và thân nhân. 

Cuối cùng, Bộ đề nghị bổ sung vào Bộ luật Lao động giao Chính phủ quy định thống nhất thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước. Thời gian làm việc dự kiến là 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ các bộ phận đặc biệt liên quan tới liên thông công việc và tiếp dân).

Bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Dưới góc độ cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, quan điểm sửa Bộ luật Lao động hướng đến là thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế, cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội… nhằm kiến tạo khung pháp luật về lao động nhằm phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi của người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động, từng bước hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh.

Theo các nhà nghiên cứu chính sách, việc sửa Bộ luật Lao động là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đây là một bộ luật lớn, tác động đến nhiều đối tượng và có liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác. Cho nên, việc sửa như thế nào để tạo khung pháp lý cho doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đảm bảo tính khả thi là vấn đề phải xem xét kỹ lưỡng. Cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu các đặc thù và đánh giá tác động cụ thể đối với các đối tượng được điều chỉnh đặc biệt trong các chính sách như: tăng giờ làm thêm, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, vai trò của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở, tác động của cách mạng 4.0 trong quan hệ lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các ý kiến đóng góp của người dân đối với dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được ghi nhận, tiếp thu. Sau 60 ngày đăng tải Dự thảo Luật Lao động sửa đổi để lấy ý kiến thì Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét thảo luận. Dự kiến, cuối năm 2019 Quốc hội sẽ thảo luận để thông qua Luật Lao động sửa đổi.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Đề xuất chưa phù hợp với thực tiễn

Còn nhiều tranh cãi quanh Dự thảo Bộ luật Lao động ảnh 2

“Đề xuất thống nhất thời gian làm việc từ 8h30 như dự thảo sửa đổi Luật Lao động là chưa phù hợp. Cơ quan soạn thảo cần tính tới đặc thù thời tiết, địa hình của từng địa phương cũng như đặc thù của các ngành nghề, các bộ phận khác nhau trong các cơ quan, đơn vị. Ở Việt Nam, thời tiết giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam có sự khác nhau rõ rệt. Tại Hà Nội, mùa đông, vào làm việc từ 8h30 tuy có muộn nhưng có thể chấp nhận được. Vào mùa hè, 8h trời đã nắng gay gắt, nếu 8h30 mới bắt đầu làm việc, người dân đi làm sẽ gặp khó khăn. Tương tự, kết thúc giờ làm vào 17h30, trong khi trường học lại tan học lúc 17h. Chưa có sự thống nhất giữa các ngành nghề, các cơ quan, đơn vị thì sẽ gây phiền toái cho người lao động. 

Ở góc độ tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động, ngoài 6 nội dung chính được Bộ LĐ-TB&XH quan tâm, lấy ý kiến, một trong những chính sách lớn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay là đối thoại và thương lượng thỏa ước lao động tập thể song lại chưa được đề cập trong dự thảo. Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét bổ sung, bởi vì chính sách trên là quan trọng trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tính lương lũy tiến theo giờ làm thêm

Còn nhiều tranh cãi quanh Dự thảo Bộ luật Lao động ảnh 3

“Đời sống công nhân lao động hiện nay vẫn đang rất khó khăn. Những công nhân có lương và thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống vẫn chiếm số lượng lớn. Người lao động không ai muốn tăng ca, tuy nhiên, do mức lương cơ bản còn thấp nên bắt buộc phải tăng ca. Rõ ràng, tăng ca là điều không một công nhân nào mong muốn mà là do cuộc sống thúc ép. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, ngành may là điển hình của tình trạng tăng ca nhiều. Thời gian tăng ca trung bình từ 47- 60 giờ/tháng (quy định là 30 giờ/tháng). Do vậy, bên cạnh việc nới rộng khung giờ làm thêm, cần quy định rõ từng ngành, nghề được phép áp dụng tối đa số giờ làm thêm ở mức 400 giờ/năm; để tránh việc doanh nghiệp huy động làm thêm giờ bừa bãi, cần ràng buộc bằng việc quy định mức lương trả cho thời gian làm thêm được tính theo phương pháp lũy tiến, càng làm thêm giờ nhiều thì càng được hưởng cao”.

Chị Trịnh Thị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội): Không nên nghỉ lễ dịp 27-7 

Còn nhiều tranh cãi quanh Dự thảo Bộ luật Lao động ảnh 4

“Việc có thêm một ngày lễ là hợp lý, song cần cân nhắc ngày nào. Lựa chọn Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 chưa đủ thuyết phục. Ngày 27-7 là ngày để toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người, những gia đình đã hy sinh xương máu, cuộc sống vì sự bình an của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Không phải cứ nghỉ lễ mới thể hiện sự tôn vinh, để tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước, mọi người phải phấn đấu lao động sản xuất góp phần xây dựng đất nước...”.