Còn nhiều tiêu cực trong tuyển dụng công chức, bổ nhiệm cán bộ

ANTĐ -Rất ít viên chức, công chức và người dân được hỏi cho rằng việc tuyển dụng công chức căn cứ vào yếu tố năng lực, nhiều người cho rằng công tác này cũng như việc bổ nhiệm cán bộ có tồn tại tiêu cực.

Đây là một trong nhiều kết quả khảo sát tại Báo cáo “khảo sát, đánh giá về quy định và việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu của Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng” được Thanh tra Chính phủ công bố sáng nay, 29-7. Việc tuyển dụng công chức, bổ nhiệm cán bộ ở khu vực công là một trong những lĩnh vực “nóng” được dư luận quan tâm và có nhiều phản ánh tình trạng tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ công bố báo cáo về kết quả khảo sát phòng, chống tham nhũng

Qua khảo sát, có đến 35% viên chức, công chức được hỏi cho biết công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu. Về phía người dân, có 13,3% cho rằng việc tuyển dụng công chức, viên chức, bổ nhiệm cán bộ không đáp ứng được các tiêu chí công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Trong đó, đa số người dân cho rằng yếu tố năng lực trong tuyển dụng công chức, bổ nhiệm cán bộ không được đề cao mà yếu tố quan trọng nhất là sự tác động của người có chức, có quyền (43,2%); tiếp đến là yếu tố tặng quà, tiền và có người thân quen (37%), chỉ 7% số người cho rằng yếu tố này không ảnh hưởng.

Về chế độ, chính sách trong công tác cán bộ hiện nay, có đến 54,7% công chức, viên chức và 50% người dân cho rằng việc bố trí làm việc theo năng lực, chuyên môn chỉ hợp lý phần nào. Trong khi đó, khoảng 30% công chức, viên chức phản ánh chế độ đãi ngộ, tiền lương hiện nay là không hợp lý.

Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra – đơn vị thực hiện đề tài khảo sát nói trên cho biết, chính việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức chưa thực sự khách quan đã dẫn đến chất lượng cán bộ thấp, trình độ một bộ phận không nhỏ cán bộ yếu kém.

“Phần không nhỏ người “xin” vào công chức chủ yếu là do muốn có công việc ổn định, có những vị trí đem lại nhiều bổng lộc hoặc “chân ngoài dài hơn chân trong”… qua đó ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Đáng lo ngại hơn là ai cũng biết điều này nhưng muốn giải quyết, tháo gỡ không dễ, đòi hỏi phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, phải có quyết tâm cao mới thực hiện được” – ông Đinh Văn Minh phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Chanh, Chánh thanh tra tỉnh Nam Định cho biết, nhiều người học rất giỏi song thi công chức không đỗ, nhiều lao động năng lực rất tốt song không được tuyển dụng công chức, đó là một thực tế khá phổ biến. "Khi hỏi đơn vị tổ chức tuyển dụng công chức thì họ trả lời ngay rằng ở đơn vị họ chỉ cần người đạt tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực ở mức độ như vậy, rất khó để xử lý" - ông Chanh chia sẻ.
Cũng theo Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định, bản thân trong quy định pháp luật hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở, chưa kể khi triển khai nhiều nơi không thực hiện đúng quy định pháp luật. Việc tổ chức thi tuyển công chức, tuyển dụng công chức hay bổ nhiệm cán bộ cũng vậy và đó chính là nguyên nhân nảy sinh tiêu cực.