Còn nhiều sai phạm trong chế biến, sử dụng đá cây
(ANTĐ) - Theo quy định về VSATTP, đá cây chỉ được phép sử dụng để ướp thực phẩm tươi sống, thế nhưng hiện nay trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều cơ sở sử dụng loại đá này để chế biến thực phẩm, đồ uống. Đó cũng là nguyên nhân làm gia tăng số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp.
Nhiều cơ sở sản xuất đá cây không đảm bảo điều kiện vệ sinh |
Đá “bẩn” cũng cháy hàng
Trong vai khách hàng cần đặt mua đá cây với số lượng lớn để ướp thực phẩm, chúng tôi tìm đến một cơ sở sản xuất đá cây nằm giữa phố Linh Lang (quận Ba Đình). Mỗi ngày cơ sở này sản xuất hơn 200 cây đá để xuất buôn cho các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thực phẩm trong khu vực.
Dù nằm ngay mặt phố, nhưng cơ sở này không hề có bất cứ một biển hiệu nào. Xưởng sản xuất rộng chừng trên dưới 50m2, vừa là nơi giao hàng, vừa là nơi sản xuất đồng thời cũng là nơi ăn ở, sinh hoạt của công nhân. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, những cây đá đã ra xưởng được bày ngay trước cửa, trên nền sàn ẩm ướt và cạnh bức tường ố vàng, không hề có vật che đậy.
Phía trên mặt bể làm đá, 2 thanh niên cởi trần, mặc quần đùi, đi dép lê, không hề có vật dụng bảo hộ lao động nào đang hì hục các thao tác làm đá. Những khuôn đá dựng sát tường đều vàng ố, hoen gỉ.
Trao đổi với chúng tôi, một người đàn ông nhận là chủ xưởng sản xuất cho biết, do nhu cầu tiêu dùng cao trong mùa hè nên hiện cơ sở làm hết công suất vẫn không đủ hàng để cung cấp và không dám nhận thêm các hợp đồng đặt hàng mới. Khách hàng chủ yếu đặt mua đá để ướp thực phẩm, giá bán buôn là 25.000đ/cây, tuy nhiên cũng có một số cơ sở nhỏ lẻ ở xung quanh đặt mua lẻ đá để phục vụ giải khát.
Hỏi về điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, người chủ cơ sở lý giải, đá cây sử dụng để bảo quản thực phẩm là chủ yếu nên ít ai để ý tới điều kiện vệ sinh như đá viên. Để nâng thêm uy tín sản phẩm của cơ sở mình, anh này còn bình luận: Nhiều cơ sở sản xuất đá cây khác còn sử dụng nước giếng khoan hoặc nước máy nhưng chưa xử lý lại, khi ra khuôn viên đá nâu đục, giá bán rẻ hơn nhiều, có khi chỉ khoảng hơn 10.000đ/cây đá.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số cơ sở sản xuất đá cây khác như cơ sở trên phố Khương Đình (Thanh Xuân), cơ sở tại đầu đường Trung Văn (Từ Liêm)…, hầu hết đều không đảm bảo các điều kiện vệ sinh. Vi phạm phổ biến nhất là cơ sở ẩm thấp, bẩn thỉu, công nhân không có phương tiện bảo hộ lao động, đá ra khuôn không hề che đậy tránh bụi bẩn…
Nguy cơ gây bệnh tiêu chảy
Theo báo cáo của ngành y tế, Hà Nội và nhiều địa phương khác đã tìm thấy vi khuẩn tả trong nguồn nước ngọt bề mặt, nếu nguồn nước này được sử dụng để làm đá dùng trong thực phẩm thì sẽ lây vi khuẩn ra thực phẩm và gây bệnh tiêu chảy cấp. Nguyên nhân là do với nhiệt độ làm đông đá, vi khuẩn tả chỉ bị kiềm chế phát triển chứ chưa chết hẳn, sau đó trong quá trình sử dụng (khi tan đá) nó sẽ sống lại và tiếp tục gây bệnh.
Qua điều tra dịch tễ tại Hà Nội, nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy cấp được xác định có liên quan đến sử dụng nước đá không đảm bảo vệ sinh. Điển hình là mới đây, một lái xe người TP Hồ Chí Minh đi công tác Hà Nội, uống trà đá sử dụng đá cây tại bến xe Mỹ Đình, sau đó bị tả phải nhập BV Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị.
Không chỉ có đá cây ngay cả các cơ sở sản xuất đá viên, tình trạng vi phạm quy định về VSATTP vẫn diễn ra. Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 44 cơ sở sản xuất đá viên đăng ký chất lượng sản phẩm và thuộc quyền quản lý của Sở.
Nhìn chung so với các năm trước, các cơ sở này đã thực hiện tốt hơn các quy định về VSATTP trong sản xuất, song qua thanh tra từ đầu năm đến nay (cấp thành phố kiểm tra 14 cơ sở) cũng đã phát hiện một số vi phạm, trong đó đình chỉ 1 cơ sở. Theo ông Cường, vẫn còn một số cơ sở chưa có đầu tư thỏa đáng, các trang thiết bị mang tính chất thủ công, nhà xưởng chật chội, còn nhiều phế liệu trong cơ sở sản xuất dẫn đến các vi phạm chủ yếu về vệ sinh ngoại cảnh như môi trường sản xuất không đảm bảo, không có điều kiện bảo hộ lao động…
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, trong quá trình vận chuyển đá sử dụng cho thực phẩm nếu không có phương tiện chuyên dụng, không có vật che đậy, để bụi đường, bụi xe bám vào, các đại lý bán đá lẻ không đủ điều kiện trong bảo quản… cũng khiến chất lượng đá bị ô nhiễm, gây bệnh. Ông Tuấn khuyến cáo, trong thời điểm dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng, người dân tuyệt đối không được sử dụng đá cây trong chế biến thực phẩm.
Nguyễn Phan