Cơn "khát" vaccine dịch vụ lên đến đỉnh điểm

ANTĐ - Ngay khi có thông tin 15.000 liều vaccine Pentaxim (vaccine “5 trong 1” dịch vụ) được nhập về miền Bắc, dù còn trong quá trình kiểm định nhưng đã xuất hiện “cơn sốt” săn lùng và chờ đợi vaccine này, đặc biệt tại một số thành phố lớn. Ngày 21-12, Bộ Y tế cảnh báo, thực trạng này sẽ khiến nhiều trẻ em rơi vào “vùng trắng” nguy hiểm và nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. 

Cơn "khát" vaccine dịch vụ lên đến đỉnh điểm ảnh 1Bộ Y tế khuyến cáo người dân hãy đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng để được tiêm vacine

Săn lùng vaccine “xách tay”

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đưa ra ngày 21-12 cho thấy, vẫn còn bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh ở các thành phố lớn không tin cậy vào vaccine miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, muốn tìm đến các điểm tiêm chủng dịch vụ hoặc ra nước ngoài để đăng ký tiêm cho trẻ với chi phí rất cao. Lợi dụng tâm lý đó, thị trường xuất hiện những dịch vụ đăng ký tiêm chủng dịch vụ và tiêm vaccine “xách tay”, chẳng hạn có địa chỉ trên mạng rao quảng cáo nhận đăng ký tiêm vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim với giá đến 3-4 triệu đồng/mũi.

Thậm chí, một công ty chuyên cung cấp thiết bị vệ sinh tại TP.HCM cũng đứng ra mở dịch vụ đăng ký tiêm chủng vaccine Pentaxim, khiến dư luận xôn xao. Trước sự việc này, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế TP.HCM vào cuộc xác minh, qua đó xác định vụ việc có dấu hiệu lừa đảo. Thanh tra Sở đã yêu cầu đơn vị ngừng ngay hành động này và hoàn tiền đặt cọc đăng ký tiêm vaccine Pentaxim cho người dân.

Có thể nói, tình trạng “khát” vaccine dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1” đã lên đến đỉnh điểm và hiện bất cứ một diễn đàn nào trên mạng chia sẻ thông tin về các loại vaccine này đều có hàng trăm, hàng nghìn người có nhu cầu theo dõi, đăng ký. Trước thực trạng đáng lo ngại này, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, Bộ Y tế tuyệt đối cấm việc buôn bán vaccine ngoài thị trường, đồng thời khuyến cáo người dân không nên tự mua, tự tiêm vaccine “xách tay”.

Cục trưởng Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, “Những vaccine “xách tay” không chắc chắn được kiểm định về chất lượng hay không, người tiêm cũng có thể không có kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nếu xảy ra phản ứng. Do đó, việc quyết định tiêm vaccine bên ngoài, qua “cò”, với hàng “xách tay” không rõ nguồn gốc tiềm ẩn những nguy cơ, hiểm họa khôn lường”.

Đừng để mất đi “thời gian vàng”

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, các số liệu thống kê cho thấy, năm 2016, việc nhập các vaccine dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1” của Pháp, Bỉ vẫn sẽ khó khăn. Nguyên nhân, do các nước sản xuất vaccine chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng lớn từ cách đây 2-3 năm, do đó không dư ra để bán theo nhu cầu đột biến của Việt Nam. Vì thế, mặc dù quyền lựa chọn tiêm loại vaccine nào cho trẻ thuộc về các bậc phụ huynh, tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ các phụ huynh cần hiểu rõ về nguồn gốc và chất lượng của lô vaccine cũng như kỹ thuật tiêm của người chịu trách nhiệm tiêm cho bé, nhất là phải nắm rõ lịch tiêm của bé, bảo đảm tuân theo lịch tiêm chủng đã được Bộ Y tế quy định, đừng vì chờ đợi vaccine dịch vụ mà để mất đi “thời gian  vàng” về tiêm chủng.

PGS.TS. Trần Đắc Phu chia sẻ, “cơ hội vàng” để tiêm vaccine đạt tỷ lệ miễn dịch cao nhất là khi trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần. Đây là khoảng thời gian trẻ rất dễ mắc các bệnh, khi mắc thì nguy cơ biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng rất lớn. Ngoài ra, đây là “thời gian vàng” để vaccine phát huy miễn dịch cao nhất, lên đến 80-90%. Nếu trẻ không tiêm đủ mũi, khả năng miễn dịch càng giảm, thậm chí về 0. 

Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nếu liều vaccine “5 trong 1” nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần phải tiêm sớm ngay, không cần phải tiêm lại từ mũi đầu (độ miễn dịch tất nhiên sẽ không cao như tiêm đủ mũi, đủ thời gian). Nếu trẻ nào đã tiêm vaccine dịch vụ “5 trong 1” nhưng sau đó không có để tiêm thì cũng có thể chuyển sang tiêm vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quinvaxem mà không lo ngại khả năng miễn dịch giảm. Phụ huynh có nhu cầu tiêm cho con tốt nhất nên đến các trung tâm y tế, cơ sở tiêm chủng Bộ Y tế quy định để được tư vấn đầy đủ. Tuyệt đối không được bỏ tiêm chủng, khiến trẻ nguy hiểm tính mạng và có thể gây dịch trong cộng đồng.