Con đường phải vượt qua

ANTĐ - Tại hội nghị giao ban về tái cơ cấu doanh  nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong năm 2015, dứt khoát phải hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 289 doanh nghiệp. Trong năm 2014, chỉ mới cổ phần hóa được 143 doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 3-2015, 289 doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó 207 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị. “Chúng ta phải phấn đấu đạt mục tiêu cổ phần hóa, nhưng không được sai sót, không được để xảy ra tiêu cực, không được bán đổ bán tháo”, Thủ tướng chỉ đạo và nhấn mạnh cơ chế cơ bản đã phù hợp, vấn đề còn lại là trách nhiệm và quyết tâm.

Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng, các doanh nghiệp (DN) đã thực hiện cổ phần hóa (CPH) đều phát huy hiệu quả. Nhìn tổng thể, khu vực DN Nhà nước chưa đạt như mong muốn, song doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và thu nhập của người lao động đều tăng. Kết quả, trong 5 năm CPH, đã thu về khoảng 70.000 tỷ đồng, nhưng tổng tài sản của DN Nhà nước vẫn đạt 3,2 triệu tỷ đồng, vốn Nhà nước tiếp tục tăng, đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế cần sớm khắc phục như hiệu quả hoạt động của DN chưa tương xứng với tiềm năng và tổng tài sản, một số DN thua lỗ, năng suất lao động thấp. Việc thực hiện chủ trương thu vốn về để đầu tư lĩnh vực khác cũng như huy động vốn từ các thành phần khác còn chậm. Dự tính, đến hết năm nay, CPH sẽ thu về 150.000 tỷ đồng, số vốn thu về so với tổng tài sản trên 3 triệu tỷ đồng và tổng số vốn chủ sở hữu trên 1 triệu tỷ đồng là quá ít. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần mạnh dạn CPH, góp phần làm cho DN Nhà nước hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn. Nhà nước thu hồi vốn về là để đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết hơn. “Không có toàn dân làm kinh tế thì không thắng lợi được. Phải coi doanh nghiệp tư nhân là một động lực. Nhà nước phải tạo điều kiện về hạ tầng, ban hành luật pháp”, Thủ tướng khẳng định như vậy.

Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ Thông tin-Truyền thông dẫn chứng những thành công khi tiến hành CPH theo đường lối, chủ trương của Chính phủ. Không ít lãnh đạo DN ngại CPH vì sợ bị mất chức, nhưng thực tế, DN sau CPH lại hoạt động tốt. Khi CPH cảng Sài Gòn, DN này cũng băn khoăn vì CPH sẽ biến thành cảng tư nhân. Song, quan điểm của Bộ GTVT là đất nước cần cảng lớn, cảng mạnh, chứ không phải cảng Nhà nước hay cảng tư nhân. Tương tự, trong ngành viễn thông, việc CPH các DN đã giúp hình thành 3-4 nhà mạng cạnh tranh lành mạnh trên thị trường... Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, con đường tất yếu phải vượt qua là cổ phần hóa, dù chật vật, khó khăn và nhiều trở ngại. Đây không chỉ là nhiệm vụ và quyết tâm của Chính phủ mà còn là sự sống còn của các doanh nghiệp Nhà nước - “xương sống” của nền kinh tế.