Còn để tồn tại SIM rác, nhà mạng không được cấp phép dịch vụ mới

ANTD.VN - Ngày 15/8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành. Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường… là những thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn.  

Đặt ra nhiều nội dung thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn: “Mạng xã hội diễn biến phức tạp, có nhiều thông tin sai sự thật, xấu, độc hại; gây hậu quả nghiêm trọng và thời gian qua, các lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý nhiều vụ việc, Bộ trưởng nêu ấn tượng với kết quả xử lý các vấn đề bức xúc trên? Chúng ta có chấm dứt được SIM rác không? Khi nào Việt Nam có trang mạng xã hội thay thế các mạng xã hội khác?”

Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: “Muốn xử lý thông tin trên mạng, phải nhìn thấy, do đó, Bộ đã xây dựng đưa vào vận hành trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia, trong đó có chức năng giám sát thông tin trên không gian mạng với khả năng một ngày xử lý được 100 triệu tin, đồng thời có  thể đánh giá được tỷ lệ tiêu cực -  tích cực. Hiện nay, sau khi điều chỉnh, thông tin tiêu cực khoảng 10% (trước hơn 30%).

Về đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài, Bộ đã làm rất tích cực. Hiện nay, với Facebook, tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Nhà nước là 70-75%, trước chỉ đạt 30%.

SIM rác là câu chuyện lớn, kéo dài nhiều năm. Năm qua, chúng ta đã cắt bỏ nhiều nhưng vẫn còn lượng SIM lớn trong hệ thống kênh bán hàng. Thời gian tới, Bộ yêu cầu các nhà mạng mua lại SIM còn trên kênh; giao trách nhiệm trực tiếp tới lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông. Nếu còn tồn tại SIM rác, nhà mạng sẽ không được cấp phép dịch vụ mới”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Về hệ sinh thái số Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng mạng xã hội Việt Nam để tránh việc toàn bộ những gì người Việt trao đổi, chia sẻ, mua bán được lưu trữ ở nước ngoài. Theo Bộ trưởng, giờ họ dùng thông tin đó để quảng cáo nhưng trong trường hợp đặc biệt có thể ảnh hưởng đến an ninh.

Bộ trưởng đặt mục tiêu các mạng xã hội trong nước sẽ có số người dùng tương đương mạng xã hội nước ngoài. Hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu người dùng còn mạng xã hội nước ngoài khoảng 90 triệu. Bộ trưởng dự đoán cuối năm 2020 hoặc trong năm 2021, có thể đạt được mục tiêu trên với tỷ lệ tăng trưởng hiện tại của các mạng xã hội trong nước.

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nêu chất vấn: “Tình hình đào tạo, huấn luyện kỹ năng trên biển để ngư dân vừa tập trung sản xuất hiệu quả vừa tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước trên biển vừa qua được thực hiện như thế nào?”.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời: Lượng tàu và lao động trên biển của Việt Nam rất lớn. Thời gian qua chúng ta đang triển khai Luật thủy sản và các chỉ đạo của Chính phủ thường xuyên tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn ngư dân khai thác hải sản an toàn, kỹ năng ứng phó thiên tai; tuyên truyền ngư dân liên kết hình thành các nghiệp đoàn, "bạn tàu" cùng phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau cùng khai thác hải sản...

Chúng ta cũng từng bước hỗ trợ các trang thiết bị cho ngư dân theo quy định của Luật thủy sản (thiết bị hành trình, giám sát;...); đồng thời quyết liệt tập trung thực hiện các nhóm giải pháp khắc phục "thẻ vàng"...

Trả lời câu hỏi về “quan điểm của Chính phủ về dự án đường cao tốc Bắc - Nam?”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là dự án trọng điểm quốc gia nên phải thực hiện đúng quy định của pháp luật; tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch; cần xem xét đặc biệt là an ninh quốc phòng.

Vừa qua, Bộ đã báo cáo Thường trực Chính phủ; xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo để bảo đảm dự án được triển khai hiệu quả.