Có tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ chăn nuôi vì lo rủi ro lớn

ANTD.VN - 3 tháng đầu năm nay, kinh tế của Hà Nội tăng trưởng toàn diện, giá trị gia tăng trưởng các ngành đều cao hơn cùng kỳ 2017, song riêng vấn đề sản xuất nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Thậm chí ở nhiều huyện có tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ chăn nuôi vì rủi ro quá lớn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô 3 tháng đầu năm

Sáng nay, 10-4, tại hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, kinh tế xã hội quý I/2018 của Hà Nội đã đạt được những kết quả toàn diện, khá tích cực.

3 tháng đầu năm nay, kinh tế của thành phố tăng trưởng cao hơn mức cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 164.800 tỷ đồng, tăng 6,98%; giá trị gia tăng các ngành đều cao hơn cùng kỳ năm trước; thu ngân sách 3 tháng đạt 58.088 tỷ đồng, tăng 12,3%.

Dù vậy, đại diện Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn chậm; khiếu kiện tập trung đông người còn diễn biến phức tạp; công tác phòng cháy chữa cháy còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ…

Riêng về công tác phòng cháy chữa cháy, để khắc phục, ông Nguyễn Doãn Toản nêu rõ, thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng, quận huyện thời gian tới phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, khu dân cư thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ; lập phương án thoát nạn khi xảy ra cháy tới từng hộ dân. Cùng đó, phải thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy và tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn trong các đám cháy.

Tham luận tại hội nghị về các nội dung trên, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Đinh Trường Thọ cho biết, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở các quận nội thành thời gian gần đây đã giảm song ở khu vực ngoại thành thì vẫn diễn biến rất phức tạp.

Cùng đó, tình trạng khiếu nại tố cáo ở các huyện ngoại thành vẫn còn nan giải, trong đó có nguyên nhân chủ quan do nhiều lãnh đạo chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm giải quyết dứt điểm hoặc chỉ giải quyết “cho xong” chứ chưa thấu tình đạt lý dẫn tới tỷ lệ “tái tố” cao…

Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Đinh Trường Thọ tham luận tại hội nghị

Bí thư Huyện ủy Thanh Oai cũng nhắc đến tình trạng nông sản được mùa mất giá vẫn đang diễn ra, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp quá lớn khiến người dân bỏ ruộng nhiều.

“Mất mùa thì lo, được mùa có khi cũng lo không kém bởi không biết bán đi đâu. Chúng ta chưa có các mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, tiêu thụ nông sản bền vững.

Câu chuyện củ cải ở Mê Linh vừa qua là một ví dụ. Hay giá thịt lợn 6 tháng đầu năm 2017 liên tục giảm, tại Hợp tác xã Hoàng Long ở Thanh Oai chúng tôi cứ mỗi tháng lỗ trung bình 50 triệu đồng. Giờ doanh nghiệp này vẫn còn lỗ, có nguy cơ phá sản, còn người chăn nuôi cũng bất an” – ông Thọ nói.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cũng nhắc lại câu chuyện “giải cứu” củ cải ở Mê Linh vừa qua và nhấn mạnh: Sản xuất nông sản, thương mại thì phải theo quy luật thị trường chứ cứ đi “giải cứu” nông sản như vậy thì không ổn, tính khoa học của thương trường không có.

Theo ông Thăng, nếu sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, khả năng chế biến, tiêu thụ của doanh nghiệp hay nếu có chợ đầu để tiêu thụ sản phẩm thì đã không xảy ra câu chuyện đáng buồn như vậy. Đây là vấn đề mà thành phố, các quận huyện phải cùng tính toán, tìm giải pháp không để lặp lại trong thời gian tới.